Xe

Trò chơi chiến tranh - công cụ đắc lực của các nhà hoạch định chính sách

27/02/2023 19:36 GMT+7

Các cuộc diễn tập mô phỏng hay trò chơi chiến tranh ngày càng có nhiều vai trò trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách tính toán về phương hướng quân sự, ngoại giao của các nước.

Trò chơi chiến tranh - công cụ đắc lực của các nhà hoạch định chính sách - Ảnh 1.

Một bàn cờ trò chơi chiến tranh

CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Vừa qua, Quỹ Hòa bình Sasakawa ở Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập mô phỏng về việc Trung Quốc đại lục tìm cách đổ bộ lên Đài Loan vào năm 2026.

Theo mô phỏng, Trung Quốc lập trung tâm chỉ huy có thể điều động mọi năng lực trên không, tàu nổi và tàu ngầm. Quân đội Mỹ đáp trả bằng cách điều các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tiêm kích hiện đại đến khu vực và quanh Đài Loan.

Tại Nhật, thủ tướng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đồng ý cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ của JSDF cũng như các sân bay dân sự tại Okinawa và Kyushu, theo mô phỏng.

Kết quả mô phỏng cho thấy Nhật có thể tổn thất đến 144 tiêm kích, 15 tàu và 2.500 thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật (JSDF) thương vong. Trung Quốc có thể tổn thất 156 tàu chiến, bao gồm 2 tàu sân bay, cùng 168 tiêm kích, 48 máy bay vận tải quân sự và hơn 40.000 binh sĩ thương vong.

Mỹ có thể tổn thất 400 tiêm kích, 19 tàu và hơn 10.000 binh sĩ thương vong, nhưng Trung Quốc sẽ không thành công trong việc tái thống nhất Đài Loan. Về phía Đài Loan, hòn đảo có thể tổn thất 18 tàu chiến, 200 máy bay và 13.000 binh sĩ thương vong.

Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ năm ngoái cũng từng diễn tập mô phỏng tương tự. Kết quả đưa ra hồi tháng 1 cũng cho thấy Bắc Kinh không thành công trong việc tái thống nhất Đài Loan trong hầu hết 24 bối cảnh, nhưng Nhật thiệt hại nặng với hơn 26 tàu và 100 máy bay.

Những cuộc diễn tập mô phỏng này một lần nữa hướng sự chú ý vào vai trò của trò chơi chiến tranh (war games) trong việc hoạch định chiến tranh cũng như tính toán cả về quân sự, ngoại giao của các nước.

Trò chơi chiến tranh là gì?

Theo The Guardian, trò chơi chiến tranh là một mô phỏng xung đột mang tính cạnh tranh, thường diễn ra trên một số loại bàn cờ với nhiều quân cờ khác nhau. Cờ vua có thể được xem là một phiên bản trừu tượng hóa, nhưng có những trò chơi chiến tranh rất phức tạp, chi tiết dựa trên mọi thứ, từ sự thống nhất của Nhật Bản (Sekigahara) đến trận chiến khoa học viễn tưởng (Warhammer 40.000).

Trong nhiều thế kỷ, những nhà đào tạo quân sự đã sử dụng các trò chơi chiến tranh làm công cụ để giúp các tân binh cũng như các nhà lãnh đạo hiểu các nguyên tắc cơ bản của chiến tranh. Theo The Conversation, vào đầu thế kỷ 19, quân đội Phổ yêu cầu các sĩ quan chơi một loại cờ tên là "Kriegsspiel". Bộ chỉ huy cấp cao nhận ra rằng mặc dù từng sĩ quan có thể hiểu các nguyên tắc chiến đấu, nhưng họ có thể không biết cách áp dụng chúng khi đối mặt với một đối thủ thực sự. Khi lùi lại và phân tích những gì đã xảy ra sau khi trò chơi kết thúc, họ có thể thấy yếu tố nào thực sự quan trọng và lựa chọn của người chơi ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào.

Trò chơi chiến tranh - công cụ đắc lực của các nhà hoạch định chính sách - Ảnh 2.

Bàn cờ Kriegsspiel, trò chơi chiến tranh do quân đội Phổ phát triển

CHỤP MÀN HÌNH THE CONVERSATION

Trong những năm 1920-1930, hải quân Mỹ đã sử dụng các trò chơi chiến tranh để lập kế hoạch quân sự chống lại các đối thủ tiềm tàng. Khi Thế chiến II bùng nổ, Đô đốc Mỹ Chester Nimitz từng nói cuộc xung đột "đã được mô phỏng trong các phòng trò chơi tại Đại học Chiến tranh Hải quân bởi rất nhiều người và theo nhiều cách khác nhau, đến nỗi không có gì xảy ra trong chiến tranh là điều bất ngờ, ngoại trừ chiến thuật kamikaze vào cuối cuộc chiến".

Trước những lợi ích mà trò chơi chiến tranh mang lại, các nước đang tiếp tục đầu tư để việc thực hiện những mô phỏng này diễn ra ngày càng dễ dàng hơn. Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng của Anh (DSTL) có một Trung tâm Trò chơi Chiến tranh Quốc phòng chuyên dụng gần Portsmouth. Trong khi đó, Thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang xây dựng một Trung tâm Phân tích và Mô phỏng Trò chơi Chiến tranh tại căn cứ ở Quantico, bang Virginia. Trung tâm dự kiến mở cửa vào năm 2024 và sẽ được trang bị đầy đủ vào năm 2025.

Vì sao cần trò chơi chiến tranh?

Trò chơi chiến tranh là một trong những cách thức hiệu quả nhất hiện có để cung cấp cho các nhà lãnh đạo cấp cao cái nhìn thoáng qua về các cuộc xung đột trong tương lai. Trò chơi chiến tranh cũng mang đến cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng mới và khám phá những điều có thể thực hiện. Các mô phỏng này cũng giúp người chơi hình dung ra những cách hoạt động khác nhau hoặc năng lực mới có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường trong tương lai.

Trò chơi chiến tranh - công cụ đắc lực của các nhà hoạch định chính sách - Ảnh 3.

Các sĩ quan tham gia một hội thảo huấn luyện chiến tranh vào tháng 3.2022 tại Đại học Chiến tranh Quân đội ở Carlisle Barracks, bang Pennsylvania, Mỹ.

CHỤP MÀN HÌNH MILITARY TIMES

Khi được áp dụng một cách sáng tạo và chặt chẽ, các trò chơi chiến tranh giúp người chơi suy nghĩ thấu đáo và bắt đầu giải quyết các thách thức quân sự phức tạp, thúc đẩy thử nghiệm các khái niệm chiến lược và tác chiến mới, kích thích tranh luận và cung cấp thông tin cho việc đầu tư vào năng lực mới.

Trò chơi chiến tranh cũng giúp thách thức các giả thuyết hoặc kiểm tra các lý thuyết, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng ranh giới của lý thuyết chiến tranh. Chúng còn mang đến cho người chơi cơ hội mắc những sai lầm nghiêm trọng để học hỏi từ điều đó, đồng thời tạo cơ hội cho những chiến lược và chiến thuật đột phá.

Vai trò trong nhiều lĩnh vực

Một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trên thế giới hiện nay - cuộc xung đột ở Ukraine - đã không ít lần được cả NATO và các nhà hoạch định quân sự Nga mô phỏng trong trò chơi chiến tranh. The Guardian dẫn báo cáo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh công bố vào tháng 2.2022 cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành trò chơi chiến tranh trước chiến dịch quân sự nhằm lên kế hoạch tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Tuy nhiên, các trò chơi chiến tranh không chỉ được quân đội sử dụng. Các tập đoàn cũng lập ra những mô phỏng chúng để xem xét quyết định kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ sử dụng trò chơi chiến tranh để mô phỏng các sự kiện lớn, bao gồm cả đại dịch.

Trò chơi chiến tranh cũng có vai trò trong việc cứu trợ thảm họa. "Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã nỗ lực ở nhiều thành phố khác nhau để giúp đỡ dòng người tị nạn. Trò chơi chiến tranh hoặc mô phỏng một số khía cạnh quan trọng của công việc hỗ trợ người tị nạn chắc chắn sẽ giúp các tổ chức như Liên Hiệp Quốc và các tổ chức địa phương chuẩn bị trước cho những tình huống này", bà Lily Boland, đồng thiết kế của trò chơi chiến tranh Don't Fear the Reaper Drone về máy bay không người lái của Mỹ, cho biết.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết và dễ xảy ra các sự kiện toàn cầu gây rối loạn, có lẽ các chiến lược và giải pháp mới sẽ được khám phá trong những trò chơi chiến tranh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.