Trò chơi nhỏ, ý nghĩa lớn tại ngày hội 'Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe'

03/12/2024 08:00 GMT+7

Đông đảo sinh viên của Trường ĐH Tài chính – Marketing đã bày tỏ sự thích thú với hoạt động thử thách kiến thức xanh, tranh tài phân loại rác tại ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe".

Ngày hội này nằm trong chuỗi chương trình "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe", do Báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 11.

Trò chơi nhỏ, ý nghĩa lớn tại ngày hội 'Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe'- Ảnh 1.

Sinh viên xếp hàng đăng ký tham gia hoạt động thử thách kiến thức xanh, tranh tài phân loại rác

ẢNH: LÊ THANH

Có thêm những kiến thức quý giá để biết phân loại rác và sống xanh

Thử thách cho sinh viên khá đơn giản, chỉ cần biết cách phân loại những loại rác như: giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su, ni lông, thức ăn thừa, lá cây, bã mía, bã trà, cà phê, xác động vật, thủy sản, vỏ tôm… thành 3 loại rác: tái chế, vô cơ và hữu cơ. Chỉ cần trả lời chính xác 4/5 câu là có thể nhận được những phần quà hấp dẫn.

Võ Tố Hoa Duệ, sinh viên Khoa Kế toán – Kiểm toán, cho rằng đây là "trò chơi nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn".

"Bởi lẽ phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường. Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, rác thải được sinh ra nhiều hơn. Việc biết cách phân loại rác là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải", Duệ nói và khoe: "Trong thử thách này, mình đã trả lời được 4/5 câu hỏi. Sai 1 câu, đồng nghĩa việc mình chưa hoàn toàn biết cách phân loại rác. Nên từ trò chơi này giúp mình nâng cao kiến thức phân loại rác hơn".

Trò chơi nhỏ, ý nghĩa lớn tại ngày hội 'Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe'- Ảnh 2.

Thử tài phân loại rác

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cũng có mặt tại gian hàng "Kiến thức xanh, thử tài phân loại rác", Lê Dương Quảng Hạ, sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, nói: "Thử thách này khá thú vị. Qua chứng kiến, có thể nhận ra không phải ai cũng biết cách phân loại rác. Có những loại rác tưởng là rác vô cơ nhưng thực chất là rác tái chế. Ngược lại, có những loại rác mình nghĩ là rác tái chế nhưng lại là rác vô cơ".

Theo Hạ, từ việc tham gia trò chơi này, sẽ giúp sinh viên có thêm những kiến thức quý giá để biết phân loại rác.

Nguyễn Phương Thảo, sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, cho rằng trước đây không quá am hiểu về vấn đề môi trường, cũng "mù mờ" việc nhận diện các loại rác thải. Tuy nhiên, sau khi bản thân trải nghiệm và xem nhiều sinh viên khác tham gia thử tài phân loại rác thì bản thân có sự hiểu biết nhiều hơn.

Trò chơi nhỏ, ý nghĩa lớn tại ngày hội 'Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe'- Ảnh 3.

Sinh viên tham gia ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe".

ẢNH: LÊ THANH

"Mình từng có tâm lý cho rằng việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, cá nhân mỗi người cần nâng cao ý thức việc này. Hy vọng rằng sau buổi hôm nay, các sinh viên sẽ có sự quan tâm đúng mức đến việc phân loại rác thải", Thảo chia sẻ.

Biết phân loại rác, tránh bị phạt

Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Khoa Quản lý công - Bất động sản, cho biết qua các thông tin đại chúng như báo chí, đã biết rằng phân loại rác tại nguồn đã được luật hóa. Từ ngày 1.1.2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy định của luật Bảo vệ Môi trường 2020. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

"Chính vì thế, thử thách kiến thức xanh, thử tài phân loại rác tại ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe" sẽ giúp sinh viên có thêm kiến thức, tránh bị phạt, góp phần tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong việc người trẻ bảo vệ môi trường, phân loại rác", Bảo nói.

Trò chơi nhỏ, ý nghĩa lớn tại ngày hội 'Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe'- Ảnh 4.

Sinh viên tham gia trò chơi phân loại rác thải trong khuôn khổ ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe".

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bảo cũng cho rằng việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. "Hành động ấy rất cần thiết để góp phần bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc cần có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế", Bảo chia sẻ.

Theo Nguyễn Thị Quỳnh Như, sinh viên Khoa Khoa học dữ liệu, sau ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe" do Báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức, sẽ làm tình nguyện viên tuyên truyền về thói quen phân loại rác đến bạn bè, người thân trong gia đình và người dân ở địa phương.

Tiến sĩ Cao Tấn Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định: "Hoạt động thử thách kiến thức xanh, thử tài phân loại rác giúp nâng cao nhận thức của sinh viên về bảo vệ môi trường. Hoạt động này cần được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung, hướng tới xây dựng một xã hội phát triển bền vững".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.