Trợ giá nhầm đối tượng

02/08/2018 04:43 GMT+7

Đó là thực trạng trợ giá xe buýt ở TP.HCM lâu nay. Mỗi năm TP chi cả ngàn tỉ đồng trợ giá nhằm tăng lượng người đi xe buýt, giảm xe cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Thế nhưng trong khi số tiền trợ giá tăng thì số lượng khách vẫn giảm.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của nghịch lý này là do trợ giá nhầm đối tượng.
Cụ thể, thay vì trợ giá trực tiếp cho khách hàng thì TP lại trợ giá thông qua đơn vị vận tải. Theo đó, cứ một chuyến xe, doanh nghiệp (DN) bán vé được bao nhiêu, phần còn lại là ngân sách bù cho đủ 100% chi phí. Đây là phương thức được đánh giá là dễ phát sinh tiêu cực và làm giảm tính cạnh tranh của DN. Điều này đã được chứng minh trên thực tế. Về tiêu cực, việc kê khống vé, làm hồ sơ giả để hợp pháp hóa số tiền trợ giá giai đoạn 2012 - 2014 đã được Thanh tra TP phanh phui. Còn với các DN, tâm lý ỷ lại là chuyện không phải bàn cãi. Điều này cũng dễ hiểu. Do được trợ giá, việc đông khách hay vắng khách không ảnh hưởng gì đến doanh thu của họ. Vì thế, DN không có động cơ, động lực tăng sản lượng khách nên không có nhu cầu phải thay đổi hình ảnh hay nâng cấp chất lượng, dịch vụ để lôi kéo khách. Đó là lý do lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm. Khách giảm thì lỗ nhiều, phải tăng kinh phí trợ giá. Cứ thế, từ số tiền gần 40 tỉ đồng năm 2002, đến nay mỗi năm ngân sách TP đã phải chi cả ngàn tỉ để trợ giá xe buýt nhưng vẫn không đủ. Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP lại tiếp tục xin tăng thêm 330 tỉ đồng/năm để trợ giá xe buýt. Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của hầu hết mọi người, kể cả những người ủng hộ trợ giá để phát triển giao thông công cộng.
Lý do, cách thức trợ giá thiếu hiệu quả này đã được yêu cầu thay đổi rất nhiều lần, trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn y nguyên. Đến cuộc họp cách đây 2 ngày, ngoài việc kêu khó, xin tăng thêm kinh phí trợ giá 330 tỉ/năm, chưa thấy những cơ quan có thẩm quyền nói gì cụ thể về thời gian thay đổi cách thức trợ giá để sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn này.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải "cai", thậm chí bỏ hẳn trợ giá xe buýt bởi việc này gây tốn tiền ngân sách mà lại không hiệu quả. Được trợ giá, xe buýt còn ế. Nếu bỏ, giá vé tăng cao, chắc chắn xe buýt sẽ chết yểu. Nhưng bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới nói chung và TP.HCM nói riêng đều phải dựa vào giao thông công cộng, chủ yếu là xe buýt nếu muốn giải bài toán kẹt xe, ùn tắc.
Cho nên dù muốn hay không, phát triển hệ thống xe buýt để giảm tải xe cá nhân là việc bắt buộc phải làm. Nhưng không phải vì thế mà cứ rót hàng ngàn tỉ đồng ngân sách vào một phương án không hiệu quả như hiện nay. Còn làm như thế nào cho hiệu quả, đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất của những nhà khoa học, chuyên gia uy tín. Vấn đề là TP có thực sự muốn làm hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.