Trợ giúp pháp lý là gì, có tốn phí, liên hệ ở đâu?

20/04/2023 11:57 GMT+7

Hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số… được nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng.

Gia đình tôi bị nhà hàng xóm lấn chiếm đất. Xã cũng đã mời lên hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được. Tôi không rành về pháp luật và cũng không có điều kiện thuê luật sư để làm đơn thư, khiếu nại, kiện tụng đòi lại đất. Có người khuyên tôi nên tìm đến trợ giúp pháp lý để nhờ họ hỗ trợ.

Tuy nhiên, tôi không hiểu trợ giúp pháp lý là gì? Họ có thể giúp gì được cho tôi, chi phí ra sao và liên hệ ở đâu?

Bạn đọc Đức Duy thắc mắc với Báo Thanh Niên.

Chuyên gia tư vấn

Bà Lê Thị Thúy, Phó trưởng phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) trả lời, theo điều 2 luật Trợ giúp pháp lý, thì trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của luật này. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trợ giúp pháp lý được cung cấp bằng các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong tất cả các lĩnh vực, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Trợ giúp pháp lý là gì, có tốn phí không và liên hệ ở đâu? - Ảnh 1.

Nếu cần tư vấn về pháp luật, người dân hãy đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi cư trú để được hỗ trợ

CỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CUNG CẤP

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho những ai

Theo điều 7 luật Trợ giúp pháp lý, điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của luật Trợ giúp pháp lý) thì những người sau đây được trợ giúp pháp lý: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Và người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định): cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Theo đó, khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên hãy đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi cư trú, hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý để được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí.

Hiện nay, danh sách, địa chỉ, số điện thoại liên hệ các tổ chức trên được công bố trên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (tại địa chỉ moj.gov.vn); trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam (tgpl.moj.gov.vn); trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp địa phương. 

Ngoài ra, bạn có thể gọi số điện thoại 02462739631 để được cung cấp thêm thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.