Trở lại mùa mai An Phú Đông…

15/01/2022 19:56 GMT+7

Băng qua đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã thấy chấp chới bên kia màu hoa vàng hoàng yến.

Một ngọn nắng ánh lên trên mặt sông Vàm Thuật, nơi đoạn sông hẹp nhất đã dựng cây cầu sắt, thay cho chiếc phà bình bịch ngày đêm. Vậy là tôi trở lại với mùa mai An Phú Đông

Nụ cười hy vọng của ông Tám Sết trước một vụ mai tết

1. Cái rìa bán đảo nhỏ này nhoi ra một phần sông giàu lắm phù sa. Nhưng nếu từ chợ Gò Vấp đổ dốc, rẽ trái theo đường Dương Quảng Hàm là ra đến bến ghe để đi Phù Châu miếu, còn gọi là Miếu Nổi, ngôi miếu đặc biệt giữa sông, thiện nam tín nữ ngày lành thường đến cầu cúng. Còn lên cầu, chịu khó ngoằn ngoèo một chút, len lách một tí vì mặt cầu nhỏ, là qua đến ngàn cây mát mắt của một xứ có vẻ như muốn níu giữ nét sống truyền đời của người dân bản địa. Đi nhiều nơi qua các vùng ngoại ô Sài Gòn, nhưng tôi vẫn nghĩ: có lẽ đây là vùng đất bên bến sông còn giữ đậm nét hồn hậu và dung chứa lối sống ít bị lấn át, khác với nhiều nơi, vườn đã thành phố xá xô bồ!

Mùa này, đã qua mùng 10 tháng Chạp, nên màu hoa vàng hoàng yến không chỉ ngự trị một mình mà chen lẫn sắc vàng của vài cây mai nở sớm. Tôi chạy loanh quanh tìm vườn của ông Tám Sết. Dù đã quen đường vài bận, nhưng có dự án nạo vét nâng cấp con kênh An Phú Đông từ QL1A ra tới bờ sông Vàm Thuật, nên người ta thi công đào xới ngổn ngang, phải tìm đường vào vườn cho được. Tám Sết, gã đàn ông ngoài 50 tuổi, vừa phóng xe máy trên bờ kênh chở đủ thứ, một cần xé rau má phía trước, rau húng lìu húng quế mấy bịch to phía sau, Thấy tôi, gã quay xe trở lại vườn.

…Vậy là, người nông dân được bà con quanh vùng đặt biệt danh “vua mai” như “lột xác”. Lại xăm xăm dẫn khách đi dạo vườn, nói say mê: “Đây là giống ổi tiểu muội, còn đây là ổi Ấn Độ, và đây là bụi sói trồng ướp trà uống chơi. Kia là thân chùm ngây hơn 10 năm…”, giọng như đằm vào đất. Cái thứ đất có màu nâu phù sa sông Sài Gòn mỗi ngày duềnh lên một lần, tràn vào vườn xăm xắp, để lại lượt phù sa mỏng, rồi bồi đắp năm này sang tháng khác, ra hoa đơm trái cho mỗi nhà vườn như của ông, và bao người quanh vùng.

Mai chậu chuẩn bị lặt lá để đưa đi bán tết

Trần Thanh Bình

2. Vườn ở An Phú Đông cũng giống như hầu khắp các khu vườn miền Nam mà tôi đã đi qua. Dù ở Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) hay P.Thạnh Lộc (Q.12) hoặc xứ làng hoa Gò Vấp hay ngược lên phía các xã thuộc H.Củ Chi… vẫn tựa vào sông ngòi, kênh rạch. Cũng lên liếp, đào mương và tháo nước từ ngoài kênh vào. Ngày nắng, nước sông cứ len lên chân liếp thấm vào đất nuôi rễ. Ngày mưa, nước tuôn xuống lá dọc theo thân cây đổ xuống mương và thoát ra sông. Hai mùa mưa nắng ấy đã quen, tạo ra cho nông dân sự thành thục khi lập vườn kiếm kế sinh nhai. Mô hình vườn ấy, có cả ở vùng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Mỹ Tho (Tiền Giang) hay bất cứ nơi đâu, người ta cần có hoa nở để chưng, để bán mỗi độ xuân về.

Giở quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (do Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng - NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018), ở mục Sản vật chí, trang 530, đoạn nói về các loài hoa của phương Nam, tác giả chỉ viết duy nhất 2 chữ về mai: Nam mai (mai vàng). Có lẽ ông muốn nói loài hoa này phổ biến ở phương Nam chăng?

Nhưng không chỉ vậy, những loài hoa khác khá phổ biến một thời ở An Phú Đông nói riêng và nhiều địa phương miền Nam khác nói chung, tác giả viết rất hay: Lài (cánh đơn, cánh kép nhiều loại, có thân cây lớn chu vi cả thước), cúc, mộc tê (hoa quế), hoa trà, hoa càng cua, lệ xuân (hoa hồng), hoa quế, tử kinh, ngâu, thủy tiên, tỉ muội, dâm bụt, trúc đào, móng tay, hồ điệp, tý ngọ (mười giờ), mồng gà năm màu, quỳ, phù dung, ngọc phù dung (lá trắng, hoa nhấp nháy như ngọc tuyết), hoa lựu đỏ vàng trắng, tiễn nhung (cẩm chướng)…

Bởi thế, khi đi quanh thăm vườn mai cây (mai được trồng thẳng vào đất) và muôn thứ cây cỏ, Tám Sết tranh thủ giới thiệu loài cây bạc hà thấp rất đặc biệt, kể rằng “cả mùa dịch Covid-19 vừa rồi, tui hái đem cho rất nhiều người xông, tốt lắm”. Đoạn, ông bảo: “Giờ tui dẫn anh ra vườn đặt mai chậu”. Nói xong là phóng xe chạy. Vườn mai thứ hai của ông cách khu vườn thứ nhất khoảng 1 km, về hướng cầu sắt, năm ngoái còn là bến phà cả trăm năm, để ngày đêm chở khách qua hướng Gò Vấp vào nội đô. Ở vườn này, Tám Sết có gần 1.000 chậu mai đang sum suê lá, trong đó tôi đồ rằng ít nhất 1/5 số chậu mai phải bắc ghế hoặc thang để lặt lá. Nói như vậy, cho dễ hình dung cái cội nguồn gốc gác bao đời của một người nông dân chân chất lao động bền bỉ, chăm bẵm tạo dựng để có một vườn mai “đặc chủng”, hiếm nơi có được!

Đá chân chống xe, Tám Sết bắt tay lặt lá mai. Có thêm 2 người phụ nữ trong xóm như đã hẹn sẵn ở vườn, xúm tay vô lặt. Lá mai lả tả rơi, những đôi tay thoăn thoắt cho kịp tiết trời để mai sớm đơm mầm ra nụ. Tôi nhẩm tính, còn khoảng 20 ngày nữa tết đến, hỏi: “Sao năm nay lặt lá sớm vậy ông Tám?”. Tám cười, tay vẫn không rời nhánh mai, nói: “ Nay lặt là vừa, tiết này hái sớm chút. Cân chỉnh thời gian hết rồi ông ơi. Với lại năm nay ngày 29 thế ngày 30 (năm nay không có ngày 30 tháng chạp - NV)”. Tôi à, 24 giờ đồng hồ của ngày cuối năm, khi thiếu đi một chút thời gian do quy luật, cũng vận vào trong cái sự làm ăn của người nông dân ở miệt An Phú Đông, và cả bao nhiêu nhà vườn nhiều nơi khác đang mong chờ vào vụ mai tết.

“Cây này và cả nguyên đám ở đây, từ sau 20 tháng Chạp tui cho chuyển đi Hà Nội”, gã khoát tay một vùng, khoảng 1/4 thửa vườn, bỗng nói vậy. “Đi bằng xe tải hay sao? Ông có “dò” thị trường hoa tết ở ngoài đó chưa? Dạo này phía bắc dịch giã cũng đang căng, không sợ ế à?”. Hỏi, biết để mà hỏi vậy thôi, chứ tôi vẫn nghĩ Tám Sết đã có câu trả lời. Cái sự trồng tỉa là của nhà vườn, còn cái sự tính toán lời lỗ ra sao là ở những người có máu kinh doanh. Mua mai đưa ra Bắc, “ăn hay chịu” với thị trường ngoài đó, để bà con ngày cận tết dạo qua các phố và yêu mến một chậu mai Sài Gòn ra sao, đã có những cái đầu khác lo!

3. Kể từ ngày 4.4.2020, khi Báo Thanh Niên đăng bài Qua miền An Phú Đông trên chuyên trang Sài Gòn - TP.HCM, dóng dả bao lần mới trở lại nơi đây. Đến để gặp và muốn hỏi Tám Sết một câu: “Cả nhà qua đận dịch giã ổn không?”, và thầm mong nghe Tám nói: “Ổn cả ông à”. Nhưng không chỉ vậy, lần gặp này gã tươi hơn hớn, nói như reo: “Tui có thêm cháu rồi nghen. Giờ đã 3 cháu nội, 2 cháu ngoại”. Một thế hệ mới ra đời, vượt qua những cam go của cơn đại dịch khốn cùng, để mai này lớn lên, lại nối chí cha ông của mình trụ vững ở miền đất thơ mộng này!

Chiều nhạt nắng, tôi trở ra phía bến. Ngồi ở một quán cà phê nhìn ra sông Sài Gòn. Biết bao cảm xúc ùa vào lòng, một hồi ức khó quên khi tính ra mới đó mà đã qua 20 tháng 6 ngày mình trở lại An Phú Đông, lúc ấy những chuyến phà còn qua lại. Mà có xa xôi gì cho cam, khoảng cách chỉ 7, 8 cây số. Mới hay, giữa một tâm dịch khốc liệt ngút ngàn, với bao dấu hỏi lặng thầm ai còn ai mất, ai yếu ai khỏe cũng khó trả lời cho hết. Khoảng cách không gian ấy, những ngày qua bỗng nhiên muôn trùng!

Hoàng hôn dần xuống phía bên kia, nơi dự án của công ty Vạn Phúc nhoài ra sông, đôi chiếc tàu ngược xuôi thúc những hồi còi dài. Tiếng vọng ấy và chợt nhớ trong khuôn hình của tôi, nụ cười của Tám Sết với một mùa mai sắp nở, tự dưng muốn níu tôi ngồi lại đây thêm chút nữa.

Một chút nữa thôi…

Sài Gòn ngày cuối năm Tân Sửu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.