Trở lại ngôi làng cư dân mang tên 'lai'

25/07/2023 08:16 GMT+7

"Khi nghe tên Pơloong Thị San U, các bạn không khỏi tò mò rồi hỏi "chắc ba mẹ mê phim Hàn Quốc lắm hả". Em đã quá quen với những lời chọc ghẹo như thế…", cô gái 21 tuổi người Cơ Tu (trú tại thôn A Chiing, xã A Tiêng, H.Tây Giang, Quảng Nam) kể cho tôi nghe những câu chuyện xung quanh cái tên lạ của mình.

TRÀO LƯU TÊN "LAI" MỘT THỜI

Nghỉ hè, cô sinh viên năm nhất ngành công nghệ thông tin (Trường ĐH Quảng Nam) Pơloong Thị San U tranh thủ về nhà ở làng A Chiing, nằm phía bên kia một nhánh sông A Vương để phụ giúp ba mẹ. Nhiều năm về trước, tên của cô gái trở thành tâm điểm của nhiều bài báo cảnh báo tình trạng tên "lai" giữa họ Cơ Tu với tên Hàn Quốc phiên âm tiếng Việt. Những cái tên diễn viên, nhân vật trong phim Hàn Quốc trên màn ảnh nhỏ đã bước vào đời sống của người Cơ Tu một cách hồn nhiên. San U là tên được cha của cô đặt sau khi xem bộ phim Mối tình đầu của Hàn Quốc, được chiếu lần đầu vào năm 1996.

Trở lại ngôi làng cư dân mang tên 'lai'  - Ảnh 1.

Pơloong Thị San U nay đã là sinh viên vẫn không quên những bất tiện về cái tên “lai”

HOÀNG SƠN

"Từ nhỏ, khi đi học ở quê, các bạn khi nghe gọi tên em thường ồ lên, có bạn tế nhị thì cười nhỏ, bạn ác ý thì bình luận đủ kiểu. Cứ mỗi lần như thế em buồn lắm. Đến khi lớn lên, nhận thức cái tên cũng có ý nghĩa khi gắn với kỷ niệm của ba mẹ, em mới bớt buồn…", San U kể và cho biết nhìn ở khía cạnh tích cực, tên "lai" cũng có sự thú vị khi khiến em chăm chỉ học bài hơn. Bởi đến lớp học, thầy cô rất hay để ý đến cái tên của em nên thường xuyên gọi lên trả bài. Có lẽ vì thế mà 3 chị em gia đình San U đều học rất giỏi, được H.Tây Giang khen thưởng hằng năm. Hiện, chị gái của San U là Pơloong Thị San Ốc và em trai là Pơloong San Ân đều là sinh viên các trường ĐH ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

"Tên chị San Ốc ấy cũng được ba em đặt theo nhân vật phim Mối tình đầu", San U tiếp lời. Nói đoạn, em trai San Ân đứng bên góp chuyện. Ân bảo, 3 chị em có tên lạ nhưng là tên gắn với nhân vật trong phim nước ngoài, có bị chọc ghẹo nhưng còn đỡ, chứ ở xóm dưới có cậu bạn em tên Hon-Đa. "Đi đâu, nó cũng bị kêu là chiếc xe máy… Tội Hon-Đa lắm", San Ân kể. Ở xã A Tiêng, trào lưu tên "lai" xuất hiện khoảng 20 năm trước khi điện cao thế được kéo về các bản làng gần trung tâm huyện, kéo theo phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh. Thông qua phim ảnh, nhất là phim Hàn Quốc, những cái tên Sun Ri, Giang Gun, Na Ra, San Hiếc… cũng lần lượt ra đời.

Một thời gian sau đó, các trẻ em mang tên lạ lớn lên và đến tuổi đi học đã phải đối mặt với nhiều bất tiện không chỉ từ dư luận mà còn nhận sự phản ứng từ chính những người trong dòng họ, bản làng… Làn sóng cải chính tên cho con cũng bắt đầu khoảng 10 năm trước.

VẬN ĐỘNG ĐẶT TÊN DỄ VIẾT

Tôi tìm gặp ông Pơloong Huân (cha của 3 chị em San Ốc) để nghe ông kể thêm câu chuyện đặt tên cho con mình. Gặp ông ở UBND xã A Tiêng, ông Huân ngượng nghịu khi nhắc lại chuyện cũ: "Hồi đó trẻ người non dạ, nghe tên San Ốc, mình hình dung đến con ốc bé nhỏ, dễ thương nên thấy cũng hay hay. Ai ngờ lớn lên đi học, mấy đứa gặp nhiều phiền toái thế…". Rồi ông Huân thật bụng: "Khi sinh con đầu lòng, mình là cán bộ văn thư của xã. Không hiểu định mệnh run rủi thế nào, năm 2015, mình được phân công về làm cán bộ tư pháp, hộ tịch của xã. Có lẽ, giàng (trời) muốn mình sửa sai từ chính chuyện của mình…".

Cách đặt tên truyền thống của người Cơ Tu

Trong nghiên cứu của mình, ông Bríu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết thông thường người Cơ Tu đặt tên cho con, cháu cùng vần chữ cái đầu của người cha đứa bé. Chẳng hạn, cha tên là A Lăng Chang thì con đặt tên là A Lăng Chân và sau đó, các em của Chân cũng mang vần ch. Tên con đầu lòng thường đặt có ý nghĩa để lưu giữ kỷ niệm vui, buồn của đôi vợ chồng trẻ hoặc gia đình… Bởi vậy, với việc đặt tên con thuần Việt, dù tạo thuận lợi về sau nhưng nhiều người cho rằng, lâu dần sẽ mất những cái tên ý nghĩa mang đậm bản sắc của người Cơ Tu.

Ông Huân kể từ ngày về tiếp quản công việc mới, cứ mỗi lần tiếp nhận hồ sơ làm khai sinh cho trẻ, ông đều rà soát kỹ từng cái tên để tư vấn cho cha mẹ đặt tên con theo phương châm dễ đọc, dễ viết. Theo ông Huân, thời gian gần đây, người Cơ Tu có xu hướng quay lại với những cái tên truyền thống, như: B'liếc, Hon'h, Dinl, Zơm, Dơn… Tuy nhiên, những cái tên này sẽ gây khó khăn khi trẻ đi học hoặc làm giấy tờ. Bởi lúc vào sổ sách dễ bị thiếu chữ, thiếu dấu… dẫn đến có những cái tên khác nhau trên các loại giấy tờ. Bản thân ông Huân trước năm 1993 cũng có tên Hon'h. Đi học thầy kêu tên khó viết, khó đọc quá nên ông đã tự cải chính tên cho mình.

Có lẽ thấm thía câu chuyện đặt tên lạ cho con cũng như cái tên Hon'h đọc "quẹo lưỡi" của mình mà ông Huân đã không tiếc công sức, thời gian tư vấn cho người dân những tên hay, ý nghĩa, dễ nhớ, dễ viết. "Có những trường hợp đặt tên con mà gia đình gửi gắm vào đó những ký ức đau khổ, thù hận… mình cũng tư vấn bà con nên đổi tên để cuộc đời con sau này tươi vui và hanh thông. Chẳng hạn, có người đặt tên con là Ca Râu với hàm ý đẻ con ra mà không có gì ăn, có trường hợp đặt tên con là Ca Dú'h với lời oán ghét của họ ngoại với ông bố…", ông Huân kể.

Gần 10 năm làm công tác tư pháp, ông Huân nhận thấy, thời gian gần đây, cộng đồng người Cơ Tu có xu hướng đặt tên con thuần Việt nhưng theo tên của các ca sĩ, diễn viên trong nước. Ngoài ra, đồng bào cũng thích một số cái tên, như: Ái Linh, Ái Ái, Hồng Lan, Hồng Điệp… Khi nhận hồ sơ khai sinh đề nghị đăng ký những cái tên này, ông Huân luôn chủ động tư vấn cho người dân để tránh bị trùng lặp dù khác họ. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.