Trở lại TP.HCM sau tết: Thương hồ chật vật mưu sinh

09/02/2022 12:59 GMT+7

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thương hồ quay trở lại TP.HCM mưu sinh nên 'chợ nổi' ở kênh Tẻ (Q.7, TP.HCM) cũng bắt đầu nhộn nhịp. Tuy nhiên, nhiều thương hồ vẫn chịu cảnh... chờ trông dù hàng hóa dồi dào, nhưng sức mua không cao.

Một ngày thượng tuần tháng 8.2022, đường Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM) đông đúc xe cộ. 16 giờ 30, gió bắt đầu nổi lên, kéo theo những con nước nối đuôi ì oạp vỗ vào mạn thuyền. Cặp dòng kênh Tẻ là một dãy thuyền ghe bạc màu nằm san sát nhau từng hồi lắc lư theo nhịp sóng.

Giữa dòng xe cộ tấp nập, xóm ghe ngụ cư vẫn miệt mài mưu sinh, “chào hàng” với đủ các loại trái cây được vận chuyển từ miền Tây lên TP.HCM. Hàng hóa dồi dào, nhưng sức mua không cao nên nhiều thương hồ vẫn chịu cảnh... chờ trông.

Đường sá sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bắt đầu đông đúc, nhưng hàng hóa của thương hồ vẫn còn đầy ắp...

Bích ngân

Vẫn còn chưa hết ám ảnh... cảnh ế ẩm vì dịch Covid-19!

“Chợ nổi” dòng kênh Tẻ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có gần 100 chiếc ghe thuyền neo đậu, nhưng chỉ hoạt động náo nhiệt ở đoạn gần Cầu Tân Thuận và Cầu kênh Tẻ cùng Q.7.

Hơn 30 năm “sống nhờ” trên dòng kênh Tẻ, bà Lê Ngọc Mai (50 tuổi, quê Long An) dẫu dạn dày kinh nghiệm và mối mang buôn bán, vậy mà vẫn còn lận đận trăm bề. Hồi năm 2021, hơn 4 tháng ròng rã chiếc ghe của vợ chồng bà phải nép mình trong cơn bão dịch, còn bình thường lại thấp thỏm kế sinh nhai vì nước ngập, triều dâng.

Những chiếc ghe bạc màu nằm san sát nhau mặc mưa, nắng

Bích ngân

Một năm thất thu, suốt mấy tháng liền vợ chồng tá túc, sinh hoạt trên chiếc ghe chưa đầy 30 m2 và đã quá bạc màu với thời gian, chưa kể nhiều lúc mưa giông chiếc ghe càng thêm nhỏ bé, chơ vơ giữa dòng nước... khiến bà Mai bạc thêm mái đầu. Năm nay, 27 tết vợ chồng bà Mai đã quyết định dọn hàng, chạy xe máy về quê đón tết sớm. Ấy vậy mà, mới mùng 4 tết, bà đã nôn nao quay trở lại TP.HCM vì nhớ... mái ấm, nhớ nghề buôn bán.

Trong một số hoạt động thường ngày, người dân sử dụng nước dưới kênh Tẻ...

Bích ngân

So với năm ngoái, từ mùng 4 tết đến nay hàng mít của bà bán đắt hơn, có ngày bán được gần 100 kg. Nhưng mấy ai biết, để kiếm được những đồng tiền lời ít ỏi ấy, bà phải ngồi từ sáng sớm đến tận tối mịt.

“Dòng kênh này đã cưu mang cô chú bao nhiêu năm nay, bỏ nó mà đi sao đành. Buôn bán đều có vận may rủi, chỉ có điều dịch ập tới bất ngờ mình không kịp trở tay nên... vẫn chưa hết ám ảnh. Năm mới đầu năm thấy phấn khởi vì bán được lắm, không biết mấy ngày tới thì sao...”, bà Mai bộc bạch.

Thương hồ chặt dừa sẵn để bán cho khách hàng

Bích Ngân

Hàng hóa “ngóng khách”...

17 giờ mây đen kéo đến, bầu trời vần vũ báo hiệu cơn mưa to.

Phố xá giờ tan tầm đông đúc nhưng chẳng ai muốn dừng xe lại để mua thứ gì đó vào lúc này, vì họ phải thật nhanh về nhà vì sợ... trời mưa. Gánh hàng của chị Trần Thị Thảo (quê Đồng Tháp) cứ thế trơ trọi giữa dòng người. Thấy trời sắp mưa, anh Thành (chồng chị Thảo) vội vàng từ dưới ghe lên phụ vợ trông coi tủ trái cây, dọn trước mớ hàng hóa xuống ghe. Giữa dòng người tấp nập, mắt họ chạm nhau, buồn hiu hắt!

Giữa dòng người tam tầm hối hả chạy về nhà... gánh hàng của thương hồ bỗng trở nên trơ trọi...

BÍch ngân

“Năm nay dịch giã dữ quá nên chắc người dân ai cũng khó khăn.... Có lúc thấy khách ghé hỏi mua lòng mình mừng húm... nhưng khách hỏi giá xong lẳng lặng chạy xe đi luôn chẳng nói câu nào, cũng không hiểu tại sao?”, chị Thảo thắc mắc.

Đa phần các thương hồ ở dòng kênh Tẻ đều chở hàng hóa từ quê lên TP.HCM buôn bán, gia đình chị Thảo cũng không ngoại lệ. Những năm trước gặp may mắn, trái cây chở lên lần nào cũng bán hết sạch, cứ đúng ngày lại chạy xe về quê chở hàng hóa lên bán tiếp. Còn bây giờ dù đã tiêu xài chắt bóp, thắt lưng buộc bụng, nhưng vẫn không dư dả gì.

17 giờ mây đen kéo đến, bầu trời vần vũ báo hiệu cơn mưa sắp đến, thương hồ vội thu dọn dù cất xuống ghe để tránh mưa

Bích ngân

"Mấy năm trước ngoài bán tại chỗ, tôi còn bán mối cho mấy căn tin tại các công ty, xí nghiệp để họ bán cho công nhân. Còn năm nay sau tết chưa thấy người ta gọi giao hàng hóa...", chị Thảo nói rồi thở dài.

Chuyện bán buôn không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, nhưng với tình cảnh hiện tại của những thương hồ trên dòng kênh Tẻ, thì đó là nỗi lo không hề nhỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.