Hội ngộ giữa rừng nhờ... sâm
Tháng 4.2012, tại thành phố biển Đà Nẵng đã diễn ra một cuộc gặp đầy xúc động của những người được giao nhiệm vụ đi tìm cây thuốc quý nhằm mục đích chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ khu 5. Dược sĩ Đào Kim Long, một trong những thành viên của đoàn nhớ lại, năm 1972, đoàn điều tra dược liệu nhận nhiệm vụ của Ban dân y khu 5 phải tìm cho ra cây thuốc giấu mà đồng bào Xơ Đăng trên đỉnh núi cao hơn mực nước biển 2.500m thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum sử dụng để chữa bá bệnh. Chuyến đi kéo dài với biết bao gian khổ, vượt suối, băng rừng, trèo đèo, ròng rã nhiều năm, cuối cùng đoàn cũng đã tìm ra cây thuốc quý, đó là cây sâm K5 và sau này được mang chính danh sâm Ngọc Linh vào ngày 19.3.1973, cách đây tròn 40 năm.
Những người tìm sâm ngày ấy đã sắp xếp hành trang, lên đường về lại đúng nơi mà mình đã tìm ra sâm Ngọc Linh – H.Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Anh Nguyễn Thanh Tuyền, người kết nối cuộc gặp gỡ cũng như “nối mạng” với Tỉnh ủy Kon Tum để đưa đoàn lên tận nơi, kể lại: “Ban đầu thấy các cụ già, sức yếu, nên chúng tôi rất lo liệu có đảm bảo để đi xa như vậy không. Tuy nhiên, trước quyết tâm “trở lại chiến trường” của các cụ, anh em đã chuẩn bị cả cáng, để nếu các cụ leo dốc không nổi thì…”. Anh Tuyền nói vui: “Dường như mấy cụ nhà ta ngậm sâm Ngọc Linh hay sao ấy mà cụ nào cụ nấy đi trong rừng nguyên sinh mà chẳng cần ai đỡ, ai dìu mới kinh. Có lẽ mấy cụ thấy vui trước sự trường tồn của cây sâm Ngọc Linh cũng như sự quan tâm bảo tồn nguồn gien quý của chính quyền địa phương”.
|
"Mở cửa" cho sâm Ngọc Linh
Vùng sinh trưởng sâm Ngọc Linh trải dài trên 9 xã của các huyện: Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được coi là vùng đất vàng, bởi chỉ có vùng đất này mới sở hữu một loại “thần dược” đắt như sâm! Theo dược sĩ Đào Kim Long, năm 1973, trong quá trình điều tra, phát hiện sâm Ngọc Linh thì đoàn ghi nhận có tới 108 vùng nằm rải rác trong dãy Ngọc Linh, và đặc biệt lúc ấy có những đỉnh núi sâm mọc thành... rừng. Còn bây giờ cũng theo dược sĩ Đào Kim Long, vùng sâm Ngọc Linh phát triển chỉ còn khoảng 10 vùng. “Đây là một điều đáng buồn với cây sâm chất lượng không thua gì sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí có những tính năng còn ưu việt hơn như chống oxy hóa, kháng khuẩn” – ông Đào Kim Long nói. Khi trở lại vùng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, trực tiếp nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Hà Ban, ông Đào Kim Long một lần nữa thiết tha mong mỏi chính quyền mạnh dạn đầu tư, mở rộng vùng trồng sâm nguyên liệu, nhân giống và kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng, phát triển thương hiệu quốc tế cho sâm Ngọc Linh. Ông Đào Kim Long tâm sự: "Nếu được lo toan đầu tư, chăm chút thương hiệu, thì tương lai cây sâm Ngọc Linh sẽ cực kỳ tươi sáng".
Trong khi đó, một số doanh nghiệp từ Đà Nẵng, Kon Tum, Quảng Nam cũng hào hứng với chương trình, mô hình phát triển kinh tế từ cây sâm gắn với du lịch vùng sâm Ngọc Linh. Một doanh nghiệp bật mí kế hoạch sẽ xây dựng một vùng trồng sâm nguyên liệu để có thể xuất khẩu kèm theo đó là tập trung nhân cây giống để rồi đưa khách du lịch đến Ngọc Linh. Những du khách này (bất kể trong hay ngoài nước) sẽ tận tay trồng cây sâm con xuống giữa rừng nguyên sinh và một thời gian sau (khoảng 3 – 5 năm, thậm chí 10 năm) trở lại Ngọc Linh thu hoạch thành quả là chính cây sâm mà mình đã trồng… Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định kêu gọi doanh nghiệp tham gia trồng sâm. Sau 40 năm phát hiện, với bao lần đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt, sâm Ngọc Linh giờ lại được trao cơ hội để phát triển thành thương hiệu sâm Ngọc Linh - Made in Việt Nam đúng nghĩa.
HỮU TRÀ
Bình luận (0)