Trợ lý ảo bị tố khiến trẻ nhỏ cư xử tiêu cực, thiếu chuẩn mực

29/09/2022 12:01 GMT+7

Các trợ lý ảo như Siri, Alexa... có tác động tiêu cực tới thói quen, hành vi của trẻ nhỏ trong quá trình giao tiếp.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra công nghệ trợ lý ảo phổ biến hiện nay như Siri (Apple), Alexa (Amazon) hay thiết bị Google Home (Assistant) đang gây tác động tiêu cực tới quá trình phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ nhỏ. Cụ thể, báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Archives of Disease in Childhood công bố thiết bị thông minh nhiều khả năng khiến trẻ em bị "cản trở phát triển xã hội" và "cơ hội học tập".

Giao tiếp với trợ lý ảo có thể khiến trẻ thiếu nguyên tắc ứng xử xã hội thông thường

chụp màn hình alamy

"Việc thiếu cơ hội tham gia vào hoạt động giao tiếp không lời khiến quá trình sử dụng thiết bị thông minh trở thành phương pháp kém để trẻ học cách tương tác xã hội", Ananya Arora và Anmol Arora, hai nhà nghiên cứu thuộc đại học Cambridge đứng đầu cuộc khảo sát nhận định.

Tiến sĩ Anmol Arora cảnh báo: "Tương tác với các thiết bị ở giai đoạn quan trọng trong sự phát triển tính xã hội cũng như cảm xúc có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với hành vi đồng cảm, lòng trắc ẩn hay tư duy phản biện. Thêm nữa, giao tiếp với thiết bị kỹ thuật số cũng không còn sự xuất hiện của các từ mang tính lịch sự như 'làm ơn' hay 'cảm ơn' thường thấy, bởi trẻ không được dạy điều đó khi phản hồi". Ông cho rằng người dùng cũng chẳng cần để tâm tới tông giọng hay việc ra lệnh có thể bị xem là thô lỗ hoặc đáng ghét hay không.

"Hầu hết nghi thức xã hội tồn tại trong hoạt động tương tác thông thường giữa con người với con người không được sao chép, ứng dụng khi đưa ra yêu cầu với thiết bị kỹ thuật số", tác giả báo cáo giải thích thêm.

Đáp lại nhận định trên, phát ngôn viên của Amazon chia sẻ với NYPost: "Trợ lý ảo Alexa được tạo ra để cung cấp những thông tin chính xác và có ích cho người dùng. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi khẳng định thiết bị thông minh cho trẻ em của Amazon đang giúp ích cho con em họ, kể cả với trẻ mắc chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý".

Cũng theo báo cáo, trẻ em phụ thuộc vào công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể dẫn tới hành vi gây hại hoặc chống đối/phản xã hội. Ngoài ra, việc yêu cầu dấu hiệu xã hội khi tương tác với thiết bị, ví dụ ra lệnh "Hey Google" hoặc "Hi Alexa" có thể gia tăng rủi ro trẻ "nhân cách hóa quá mức thiết bị kỹ thuật số", hoặc gán đặc điểm hành vi của con người cho đồ vật vô tri, loài vật.

Nghiên cứu còn dẫn thông tin từ BBC đăng tải năm 2021 rằng trợ lý ảo Alexa đã "thách thức một bé gái 10 tuổi cọ đồng xu kim loại vào đầu phích điện đang cắm một nửa trong ổ điện". Mẹ cô bé cho biết con gái bà đã không thực hiện theo hướng dẫn nguy hiểm trên, còn Amazon khẳng định đã cập nhật phần mềm và sửa lỗi ngay sau khi biết thông tin vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.