Trở ngại cung ứng ngăn nhà thầu Mỹ khỏi nhiều hợp đồng 'tỉ đô'

03/09/2022 11:53 GMT+7

Những căng thẳng trên thế giới đang tạo ra cú hích mạnh cho ngành công nghiệp quốc phòng nhưng nhiều hãng sản xuất vũ khí lớn đang gặp khó trong việc đáp ứng do đứt gãy từ chuỗi cung ứng.

Bùng nổ hợp đồng vũ khí

Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ "bật đèn xanh" bán 150 tên lửa không đối không AIM-120 của Raytheon trị giá 293 triệu USD cho Nhật Bản.

Cùng ngày, Singapore cũng nhận được cái gật đầu của Mỹ để mua các loại bom dẫn đường và vũ khí khác trị giá 630 triệu USD. Trong khoảng thời gian gần đó, đơn hàng của Úc đặt mua 80 tên lửa không đối đất của Lockheed Martin trị giá 235 triệu USD cũng được chấp nhận trong khi Hàn Quốc mua 31 ngư lôi cho trực thăng chống ngầm trị giá 130 triệu USD.

Các tên lửa không đối không AIM-120 chuẩn bị được đưa lên chiến đấu cơ F-35. Nhật Bản đã hỏi mua 150 tên lửa này

Thủy quân lục chiến Mỹ

Theo Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng phụ trách việc mua bán vũ khí cho đối tác bên ngoài của Lầu Năm Góc, tính đến hết tháng 7, cơ quan này đã có được 44 thỏa thuận, gồm một thỏa thuận tiềm năng bán 35 chiếc F-35 cho Đức trị giá 8,4 tỉ USD. Số lượng thỏa thuận này cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm trước đó. Cụ thể, cùng kỳ năm 2019 có 25, năm 2020 có 43 và 2021 có 40 hợp đồng.

Mặc dù việc đàm phán thường kéo dài nhiều tháng và những hợp đồng gần đây có thể không phát sinh từ xung đột Ukraine hay căng thẳng Đài Loan, nhưng các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ đều cùng quan điểm rằng họ nhìn thấy rất nhiều hợp đồng quốc tế phía trước, theo tờ Nikkei Asia.

Trở ngại trong chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, dù nhận được nhiều đề nghị cung cấp vũ khí, giới lãnh đạo các nhà thầu lớn của Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về sự khó khăn trong việc tìm được nguồn cung cấp linh kiện và lao động để hoàn thành giao kèo, vấn đề tồn tại dai dẳng từ đầu đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Nếu Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan như những điều đã thấy sau các chuyến thăm của giới lập pháp Mỹ, tình hình có thể sẽ càng phức tạp.

Những thách thức đó có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất của các nhà thầu dù đang có một cuộc mua sắm vũ khí rầm rộ tại châu Á. Ông James Taiclet, Tổng giám đốc điều hành của Lockheed Martin cho rằng có thể phải mất 2-3 năm để biến các đề nghị mới thành hợp đồng chính thức. Đặc biệt là với các khách hàng nước ngoài, đơn đặt hàng cần được Bộ Ngoại giao và quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Doanh thu thuần của Lockheed Martin trong Quý 2/2022 chỉ đạt 15,4 tỉ USD, thấp hơn dự kiến và thấp hơn Quý 2/2021 (17 tỉ USD). Ông Taiclet nói rằng những thách thức trong chuỗi cung ứng là một phần nguyên nhân và dự báo các vấn đề sẽ tồn tại đến hết năm, buộc công ty phải điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng của năm 2022.

Tàu chiến Mỹ phóng thử ngư lôi MK-54. Hàn Quốc đang mua 31 ngư lôi này để trang bị cho trực thăng chống ngầm

Hải quân Mỹ

Tổng giám đốc tài chính Brian West của Boeing cho biết công ty này cũng gặp vấn đề tương tự và nguy cơ thiếu hụt các linh kiện chính, từ động cơ, nguyên liệu thô cho đến chất bán dẫn.

Ông Gregory Hayes, Chủ tịch Raytheon, giải thích nguyên nhân của sự giới hạn trong chuỗi cung ứng và lao động là do có sự khác biệt trong mảng quốc phòng so với mảng thương mại.

Khoảng 80 nhà cung cấp liên quan đến mảng thương mại tham gia các hợp đồng dài hạn, đòi hỏi họ phải giữ một lượng hàng hóa dự trữ, trong khi mảng quốc phòng chỉ có khoảng 10% là hợp đồng dài hạn.

Với những hợp đồng quốc phòng, Raytheon chỉ có thể làm việc với các nhà cung cấp sau khi được chính quyền trao hợp đồng. Do đó, thời gian sản xuất tăng lên gấp đôi và đôi khi gấp 3 lần. Thông thường, Raytheon duy trì lượng thiết bị sẵn có ở mức 90-95% nhưng trong Quý 2, do những trở ngại chuỗi cung ứng nên mức này chỉ đạt khoảng 50%. Ông Hayes nói công ty đang nhắm đến gia tăng mức này lên 80% đến cuối năm.

Thời cơ lớn

Bà Kathy Warden, Tổng giám đốc Northrop Grumman cho biết ngành công nghiệp quốc phòng đang có bước ngoặt quan trọng khi môi trường địa chính trị khiến cho nhiều nước gia tăng chi tiêu quốc phòng. Tại Mỹ, lưỡng viện quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn tăng ngân sách an ninh quốc gia cho tài khóa 2023 thêm hàng chục tỉ USD, nhiều hơn mức mà Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan được cho là sẽ khiến xu hướng này được gia tăng. Hồi tháng 6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ tăng cường về nền tảng của lực lượng quốc phòng Nhật trong 5 năm tới.

Tổng giám đốc tài chính Jay Malave của Lockheed Martin nói rằng công ty nhìn thấy cơ hội trị giá nhiều tỉ USD từ các hợp đồng quốc tế nhưng cần hiểu hơn về năng lực chuỗi cung ứng của công ty trước khi quyết định chốt hợp đồng.

Ông Bradley Martin, giám đốc Viện nghiên cứu chuỗi cung ứng an ninh quốc gia thuộc Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ), cảnh báo rằng những hạn chế trong chuỗi cung ứng là nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh trong việc chuẩn bị đối phó các thách thức từ Trung Quốc.

“Đây rõ ràng là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia và không chỉ ảnh hưởng trong sản xuất quốc phòng mà còn có thể đến nền kinh tế toàn cầu”, ông Martin nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.