‘Tro tàn rực rỡ’ len theo nỗi đau của ba người đàn bà

30/11/2022 16:44 GMT+7

Số phận đầy cay nghiệt của ba người đàn bà nghèo ở miền Tây Nam bộ được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khắc họa trong tác phẩm điện ảnh Tro tàn rực rỡ .

Chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư Củi mục trôi vềTro tàn rực rỡ, phim lấy bối cảnh ở xóm nghèo Thơm Rơm để kể câu chuyện tình đầy khắc khoải của ba người phụ nữ Nam bộ suốt một đời dành tình cảm cho những người đàn ông họ đã chọn.

Phương Anh Đào (Nhàn) và Bảo Ngọc Doling (Hậu) trong phim

cgv

Phim mở đầu bằng tâm sự của Hậu (Bảo Ngọc Doling) kể chồng cô - Dương (Lê Công Hoàng) - một lòng dành tình yêu cho cô gái khác là Nhàn (Phương Anh Đào) dù cô này đã lên xe hoa với Tam (Quang Tuấn). Từ đó, Dương ghẻ lạnh Hậu, ngay khi cô vừa sinh con với anh.

Người phụ nữ thứ 3 là Loan “khùng” (Hạnh Thúy đóng) ôm nỗi đau năm 12 tuổi bị một gã đàn ông hiếp, sống trong cô quạnh, buồn tủi để rồi ngày gặp lại gã đó cô bỗng đem lòng yêu thương.

Trailer phim Tro tàn rực rỡ
cgv

Tro tàn rực rỡ len vào tận cùng sự bất hạnh của cả ba người đàn bà này khi mà họ lẽ ra phải được sống trong hạnh phúc, gặp người mình yêu nhưng rồi bi kịch xảy đến, đẩy mỗi người đứng trước sự nghiệt ngã đầy cay đắng, pha chút đau thương.

Dàn diễn viên lăn xả

Không như nhiều phim Việt gần đây khi mà các nam thanh nữ tú luôn “lên xe xuống ngựa”, sống cảnh giàu sang phú quý, dàn diễn viên trong Tro tàn rực rỡ sống và diễn như người dân làng chài với cuộc sống đơn giản, có phần cơ cực. Nhìn Hậu làm bánh chuối, khiêng những buồng chuối trĩu quả từ xuồng lên sàn nhà, chẻ đống củi hay Nhàn lăn ra đóng từng miếng ván, lợp từng tấm tôn cho ngôi nhà, Tam thì đi mò bắt vẹm ở rừng đước, lấm lem trong lò than còn Dương cheo leo, cô độc giữa biển trời trong chiếc chòi tôn cất tạm để chài lưới... mới thấy họ xả thân cho bộ phim như thế nào.

Lê Công Hoàng (Dương) và Bảo Ngọc Doling (Hậu) trở thành vợ chồng trên phim

cgv

Phương Anh Đào chấp nhận phơi nắng, học nấu cơm bằng củi, làm việc nội trợ như một phụ nữ nông thôn thực thụ. Cô sẵn sàng phá bỏ hình tượng, hóa trang cho đen đúa, lam lũ, hằng ngày phải tô răng bớt trắng để có thể hoàn toàn trở thành Nhàn - vai diễn tạo cho cô bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất.

Quang Tuấn cũng không kém cạnh. Nam diễn viên từng 2 lần giành giải thưởng Cánh Diều Vàng cho biết anh rất chật vật, bỏ không ít công sức để học nghề làm than tại Cà Mau.

Hai diễn viên trẻ Lê Công Hoàng và Bảo Ngọc Doling vào vai cặp vợ chồng Dương - Hậu không lép vế trước các đàn anh đàn chị. “Chàng thơ” của dòng phim độc lập học nghề chài lưới để vào vai cho mượt. Bảo Ngọc Doling dù là tay ngang, hiện đang là sinh viên chuyên ngành Động vật học tại Úc, nhưng hết mình “xông pha”, học bổ củi, học nghề làm bánh chuối, học lái ghe. Bảo Ngọc thậm chí còn nhiều lần lái ghe để chở đoàn phim di chuyển.

Ngoài Phương Anh Đào các diễn viên còn lại diễn tròn vai đủ đưa khán giả vui buồn theo số phận của từng nhân vật. Cảnh đẹp sông nước miền Tây Nam bộ được Bùi Thạc Chuyên khai thác đậm nét trong Tro tàn rực rỡ. Sự chất phác, hồn hậu, nghĩa tình cũng là thứ không hề thiếu ngoài đời lẫn trên phim của người miền Tây “chánh hiệu”. Âm nhạc sử dụng khéo léo, đẩy cảm xúc người xem trôi theo thân phận mỗi người đàn bà. Phim quay với gam màu tro, không hề rực rỡ chói sáng mà khá u buồn nhằm lột tả bi kịch các nhân vật.

Bùi Thạc Chuyên mất hai năm để hoàn thiện kịch bản, thêm nhiều năm dài chuẩn bị. Anh đã sống cùng người dân bản địa, học cách ăn, cách nói, cách làm của họ để phim đạt được chất miền Tây nhất.

Còn vài điểm đáng tiếc

Tro tàn rực rỡ sẽ hay hơn nếu phần thoại của phim “đời” hơn, Nam bộ hơn. Xem tác phẩm, khán giả luôn cảm giác phim vẫn còn một số câu thoại nặng văn viết hơn là lối nói “ngang phè” của người Nam bộ.

Phương Anh Đào và Quang Tuấn trong một cảnh quay

cgv

Đài từ của nữ diễn viên Bảo Ngọc Doling càng khác quá xa với giọng con gái miền Tây. Đôi lúc giọng cô mang vẻ khô cứng của thế hệ trẻ từng sống và học tập ở nước ngoài, ít phảng phất chất sông nước, mộc mạc, bình dị lẽ ra phải có.

Phim mô tả sự nghèo khó của một vùng quê nghèo, nơi mà phụ nữ luôn lệ thuộc chồng, mất đi tiếng nói riêng, cả đời cam chịu. Sức chịu đựng của ba nhân vật nữ là đáng nể, như bị nhốt chặt trong cái lồng chim cốt để mua vui và phục vụ chồng con.

Lửa tượng trưng cho bi kịch cuộc đời họ, đốt cháy mọi ước mơ, hi vọng, khao khát yêu và được yêu, để rồi dẫn họ đến những quyết định vội vã, đau lòng. Nhưng để đẩy bi kịch này lên đỉnh thì phim chưa thể.

Bùi Thạc Chuyên chọn lối kể bằng nhịp phim chậm rãi, từ tốn nên không dễ cảm nhận, đặc biệt là giới trẻ.

Tro tàn rực rỡ khởi chiếu tại rạp từ ngày 2.12 sau khi tham gia LHP Tokyo 2022 và đoạt giải cao nhất Montgolfière d'Or tại LHP Ba châu lục 2022 diễn ra từ 18 đến 27.11 tại Nantes, Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.