1. Nhắc đến Biên Hòa, trong tâm trí tôi bỗng bừng lên cảm xúc chiều hè năm ấy. Cái ngày tôi đặt dấu chân của mình lên đất Biên Hòa rồi ghé thăm Cù Lao Phố với muôn vàn bỡ ngỡ, trải nghiệm và được thưởng thức một món ăn dân dã cả đời khó quên.
Đồng Nai, mảnh đất miền Đông Nam bộ với văn hóa ẩm thực đặc sắc. Đến rồi về mà trong lòng vẫn muốn quay lại lần nữa với tâm thế trải nghiệm thêm màu sắc cuộc sống. Nơi đây, phong cảnh và món ăn cứ níu kéo tâm hồn phương xa muốn quay về. 10 năm là một khoảng thời gian đủ dài để thay đổi cảm xúc của một con người phải không? Duy có cảm xúc với thiên nhiên, với tình đất, tình người thì vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi.
Tư Hưng, tay buôn đặc sản từ Nam ra Bắc lôi tôi đến Cù Lao Phố. Trời, ngạc nhiên quá, đã bao năm vô Nam mà giờ mới được chứng kiến chỗ này! Con sông Đồng Nai thơ mộng mà mấy cuộc chén tạc chén thù nhắc đến là đây, cái nhánh chia hai ôm trọn dải đất là đây! Tay Tư thì vẫn thao thao bất tuyệt về lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất này, đến mức không để tôi hỏi câu nào. Chỉ biết rằng trong mắt bất cứ người Biên Hòa nào thì đây cũng là nơi rất tuyệt.
2. Mảnh đất Biên Hòa trỗi dậy mạnh mẽ nhờ công nghiệp mà vẫn không quên bản sắc. Nơi ấy có đình, có chùa, có nhiều công trình di tích lịch sử, và với tôi còn có cả tình cảm sâu đậm của người Biên Hòa. Bất kể anh từ Bắc hay Trung đến đây cũng được tiếp đãi nồng nhiệt chân thành, được mời đi ăn món đặc sản gỏi cá Cù Lao Phố. Nhắc đến món ăn ấy, bỗng nhiên miệng lại thèm, như thế lâu ngày không được ăn thứ gì ngon vậy.
Lần đầu được ăn gỏi cá Cù Lao Phố thật đặc biệt. Món ăn lạ miệng mà thơm ngon đến không ngờ. Đối với dân Bắc mà thích đồ ăn Nam như tôi thì bất cứ món nào trong Nam cũng đều có một thứ gì đó ngon đến lạ lùng. "Đơn giản, chẳng cần cầu kỳ, nguyên liệu cũng không cần quá sang và đắt tiền, quan trọng nhất là nghệ thuật chế biến", tay Tư Hưng nhắc đi nhắc lại câu đó với tôi mỗi khi chúng tôi có dịp ăn món gỏi cá Tân Mai nổi tiếng này.
Rồi trong tôi như thấu hiểu tình cảm và cách sống của người Biên Hòa khi được ăn món gỏi cá dân dã ấy. Cầm miếng bánh đa xúc miếng gỏi cá lên, cho nước sốt và ăn trong khung cảnh Cù Lao Phố, tôi có cảm giác như mình đã trở thành dân Biên Hòa thứ thiệt. Tôi đã được nhìn tận mắt, được sờ tận tay, được cảm cái tình của người làm nên món đặc sản độc đáo của Biên Hòa ấy.
Nói chuyện với người làm gỏi cá mới biết cần làm kỳ công mới ra được một món ăn khoái khẩu. Để làm ra một dĩa gỏi cá ngon, cần phải nghiên cứu, chế biến, trải qua nhiều năm kinh nghiệm thì người làm mới có thể cho ra được món hợp khẩu vị mọi người như thế. Những người bán gỏi cá ở Cù Lao Phố đều quan trọng nguyên liệu và có ý thức trong kinh doanh. Họ quan niệm nguyên liệu phải sạch và ngon, tiền lời mỗi lần có thể ít nhưng bù lại bằng lượng khách đông đảo và giữ uy tín của quán.
Gỏi cá Cù Lao Phố đúng là đặc sản tuyệt vời! Miếng bánh tráng giòn tan hòa quyện với cá tươi dẻo thơm cùng nước sốt đậm đà chính là cảm giác mà tôi không bao giờ quên. Món ăn dân dã này như chứa đựng cả tâm hồn của người Biên Hòa…
Tôi nhớ lại một lần đến đây chơi, ăn ở nhà người bạn. Bữa ăn có tôm, cua nhưng không hiểu sao tôi lại thích mê món gỏi cá thơm ngậy này.
Gỏi cá Cù Lao Phố chỉ là một món ăn bình dị của người Biên Hòa, nhưng sao nó hấp dẫn đến không ngờ. Hấp dẫn không chỉ ở cách bài trí, ở sự bất ngờ vì cái mới, mà còn vì tình cảm của người làm đã thổi hồn vào đó qua cách chế biến tỉ mỉ, để du khách thêm cảm mến về văn hóa và tình người.
3. Người Biên Hòa sống chân thành, hiếu khách. Đến món ăn dân dã như gỏi cá cũng làm cầu kỳ, đó chính là loại gỏi ngon nhất. Tôi nhớ lại câu chuyện dì bán hàng mời tôi thêm mà không lấy tiền, bởi theo dì kể, dân Biên Hòa sở dĩ sống yên bình đến ngày nay cũng vì luôn hiếu khách, luôn mời mọc xởi lởi và nhất là thật lòng.
Tối Biên Hòa đẹp lung linh. Cứ nghĩ đây chỉ là vùng đất công nghiệp nhưng đúng là cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Tôi ngồi trong quán cà phê và cảm nhận cái không khí khi thành phố lên đèn cùng thanh âm cuộc sống, cảm nhận phút bâng khuâng khi được hòa cùng vào đời sống Biên Hòa. Quả vậy, lòng hiếu khách đã ăn sâu vào văn hóa của người Biên Hòa, thể hiện qua cách mời khách, cách đối đãi với khách phương xa. Mời ai cũng nhiệt tình, đon đả, mời món nào cũng xởi lởi, nụ cười tươi rói trên môi, dù chỉ là món bình dị nhất như gỏi cá. Đó chính là nét đẹp văn hóa lâu đời đã trở thành bản sắc của người Biên Hòa mà bao du khách đã chứng kiến, đã cảm nhận.
Trong nền ẩm thực đặc sắc của nước ta, món ăn đường phố ngày càng trở thành bản sắc, như một hình ảnh đại diện cho sự hấp dẫn của văn hóa Việt. Khách du lịch trong và ngoài nước đến với Biên Hòa cũng hòa mình vào thưởng thức các món ở đây như người bản xứ, đúng như trong khung cảnh dân dã mới cảm nhận được hết vị ngon. Thành phố công nghiệp ấy vừa sôi động mà trầm mặc, bình dị, nơi có những thú vui đặc biệt sau một ngày làm việc vất vả. Và gỏi cá Cù Lao Phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc hấp dẫn du khách quay trở lại Biên Hòa. Miền Đông, vùng đất sôi động ngày càng trở thành điểm đến đặc sắc thu hút du khách gần xa.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)