“Ở Vũ Hán về à?”
Nhận tờ giấy ra viện cùng kết quả âm tính với virus corona trên tay, N.O - một du học sinh Việt Nam trở về từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) ngay lập tức chụp lại và đăng lên Facebook cá nhân để chấm dứt những tin đồn không hay về mình thời gian qua.
|
N.O đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở thành phố Vũ Hán. Cô trở về Việt Nam từ đầu tháng 1.2020 để ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình. Gần một tháng kể từ ngày về nước, sức khỏe Hồng vẫn bình thường nhưng có lẽ cô đã trải qua một cái tết không mấy vui vẻ vì những tin đồn bủa vây và cả sự xa lánh của những người xung quanh.
“Ở Vũ Hán về à?”, “ôi tránh xa xa ra”, “về nhà tránh dịch à?”, “sao không ở bên ấy luôn đi”,... là những câu mà N.O được “hỏi thăm” nhiều nhất.
“Mình thực sự đau lòng, thực sự rất buồn khi nhiều anh chị em cùng học bên Vũ Hán với mình về quê không dám đi đâu vì sợ nếu lỡ mang bệnh lại lây cho mọi người, không dám đi đâu vì sợ những lời dị nghị. Đến bản thân mình một ngày không dưới 20 cuộc điện thoại, rồi tin nhắn hỏi thăm sức khỏe thì ít mà hỏi về tin đồn thì nhiều. Rồi ở quê mình có những người còn không dám cho con họ đi qua ngõ nhà mình”, N.O chia sẻ.
“Giờ thì mọi người đều đã biết đến Vũ Hán”
N.O chia sẻ rằng trước đây khi giới thiệu là mình đang đi học ở Vũ Hán, không nhiều người biết Vũ Hán ở đâu, Vũ Hán thuộc tỉnh nào của Trung Quốc. Nhưng từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus corona gây ra bùng nổ thì ai ai cũng biết đến thành phố nơi cô đang theo học.
|
“Từ một đứa con đi học thạc sĩ nước ngoài, niềm tự hào của bố mẹ thì mình lại đang cảm thấy đang mang lại cho gia đình sự phiền phức mệt mỏi. Ngày tết chả ai dám đến chơi nhà, có người gặp mình về bị sốt cũng phải nhắn tin hỏi ngay. Để bảo vệ gia đình mình khỏi những lời ác ý, bảo vệ bản thân khỏi câu chuyện thêu dệt và hơn nữa là một du học trở về từ tâm dịch mình nghĩ mình nên hành động có trách nhiệm. Mình quyết định đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để làm xét nghiệm tự nguyện. Xét nghiệm để chắc chắn rằng bản thân mình khỏe mạnh cũng như tránh gây lo lắng cho gia đình, người thân, bạn bè, những người đã có tiếp xúc với mình trong thời gian qua”, N.O cho biết.
Dở khóc dở cười vì bị kỳ thị
H.L - một du học sinh đang theo học ngành thương mại quốc tế ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), cho biết dù không học ở trung tâm đợt dịch lần này là Vũ Hán và cô cũng đã về Việt Nam từ trước khi bùng phát dịch nhưng nhiều người vẫn e ngại khi tiếp xúc với cô.
|
“Lúc mới về thì mình đi gặp gỡ bạn bè, mọi người cũng cư xử như bình thường vì lúc đó thông tin về dịch bệnh còn ít. Một thời gian sau, khi dịch bùng phát mạnh thì mọi người mới nhớ ra là mình ở Trung Quốc về. Bạn bè cũng nửa thật nửa đùa hỏi là có bị sốt hay không”, H.L chia sẻ.
Không chỉ riêng H.L, mà nhiều bạn bè khác của cô là du học sinh từ Trung Quốc trở về cũng gặp những tình cảnh tương tự. Nhiều người phải hạn chế đi lại, gặp gỡ để tránh gây hoang mang cho người khác dù đã xét nghiệm âm tính với virus 2019-nCoV (chủng mới của virus corona) hay đã quá thời gian ủ bệnh mà sức khỏe vẫn bình thường.
|
“Hôm nay nhà mình có mấy anh công an phường ghé thăm. Mấy anh ấy biết mình từ Trung Quốc về nên lúc mới vào nhà mang khẩu trang kỹ lắm, kể cả khi nói chuyện cũng không tháo ra, mời nước cũng không dám uống. Mấy anh ấy đến phát giấy tờ hướng dẫn cách phòng chống dịch. Đến lúc biết mình về nước lâu rồi thì mới dám tháo khẩu trang ra nói chuyện”, H.L cho biết.
Chưa biết đến bao giờ mới có thể đi học trở lại
Cũng theo học ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), H.P - sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa - cho biết cô không bị mọi người kỳ thị hay xa lánh gì khi về nước ăn tết. Tuy nhiên, cô vẫn khá hoang mang vì không biết khi nào mới có thể quay trở lại Trung quốc tiếp tục việc học.
|
“Trước mắt thì phải đợi nhà trường thông báo xem bao giờ được nhập học lại. Phòng giáo dục trường mình thông báo là chờ tới sau 24.2 mới có thông báo tiếp tùy vào tình hình thực tế. Vả lại mình cũng phải đợi Cục hàng không Việt Nam xem bao giờ được phép bay sang Trung quốc nữa”, H.P cho hay.
Bình luận (0)