Đơn giản là vì, trong sâu thẳm tâm khảm người Việt, tinh thần VN là không có ranh giới.
Và không biên giới. Mới thấy, ý thức dân tộc có thể là một nguồn lực vô giá mà VN may mắn có được trong lòng mỗi người dân. Và nếu biết khơi thông nguồn lực ấy, một triển vọng xán lạn luôn chờ VN ở phía trước.
tin liên quan
Cầu thủ Việt kiều: Nguồn lực đang bị bỏ phíCó thể đó là triển vọng xán lạn trong lĩnh vực thể thao. Gần nhất chúng ta biết đến một thủ môn Văn Lâm làm nức lòng người dân Việt không chỉ bằng tài năng của mình, mà còn bằng một ý thức sẵn lòng cống hiến cho quê hương Việt. Trên thực tế, VN đang có nhiều những “Văn Lâm” như thế ở nhiều quốc gia như Pháp, Na Uy, Úc, CH Czech, Hà Lan. Họ có tài năng, được đào tạo bài bản từ những lò huấn luyện quốc tế có chất lượng. Họ chưa có mặt ở đội tuyển VN chắc là còn do những rào cản nào đó trong nhận thức và cách đặt vấn đề của quê hương VN với những người con tài giỏi của mình mà thôi.
Nhìn vào những trường hợp cầu thủ gốc Việt về thi đấu ở VN thời gian qua, chúng ta nhận thấy họ trở về thông qua những kênh giới thiệu chuyên biệt. Nghĩa là chúng ta chưa chủ động lên chiến lược tìm kiếm và tiếp cận nguồn nhân lược này, mà dường như chỉ ngồi chờ họ tìm đến mình, hoặc ai đó dẫn họ đến. So với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines thì có thể nói ngay, như Báo Thanh Niên đã nêu, là VN đang bỏ phí nguồn lực này.
Mà đó cũng chẳng phải chuyện riêng gì của lĩnh vực thể thao, giải trí. Ở những lĩnh vực trọng yếu hơn, như lĩnh vực khoa học, giáo dục, liệu chúng ta đã có chiến lược rõ ràng để tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực đặc biệt này chưa? Chúng ta có còn nhớ không, những chuyện buồn kiểu như đặt ra những tiêu chuẩn hành chính vô lý để loại bỏ một trí thức Việt kiều muốn đóng góp vào công tác quản lý một trường đại học?
Mỗi lần nói đến người Việt ở nước ngoài, chúng ta hay nhắc đến chữ “bào”. Là đồng bào. Là kiều bào. Bào nghĩa đen là “cái bọc”. Đồng bào là sinh ra cùng trong một bọc. Kiều bào thì có thể diễn giải là những người con dân đất nước ở nước ngoài (kiều) nhưng cũng là đồng bào mình. Đằng sau chữ “bào” trong “kiều bào” là một triết lý nhân văn sâu sắc về mối liên hệ thiêng liêng của người Việt với quê hương, với Tổ quốc.
Quê hương, Tổ quốc không chỉ là một cái tên để ghi trên dòng lý lịch nhân thân của người gốc Việt ở nước ngoài. Quê hương, Tổ quốc còn là nơi để trở về, để cống hiến. Xin đừng để những đứa con tài giỏi của dân tộc không tìm được cầu nối để trở về cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương mình.
Bình luận (0)