'Trở về' với nông nghiệp

23/06/2022 10:10 GMT+7

Cách đây 20 năm, khi giới kinh doanh đang mải miết làm thương mại thì công ty này bắt tay vào làm tinh bột sắn, và thành công. Nay, giữa đại dịch Covid-19, sản xuất gặp khó, dòng tiền đổ về bất động sản, chứng khoán thì đơn vị lại “bén duyên” với lúa.

Nông nghiệp theo phương pháp… công nghiệp

Thấm với một ý trong câu nói của cụ Lê Quý Đôn, “phi nông bất ổn”, tức không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, doanh nhân Hồ Xuân Hiếu đang cùng các đồng sự quay trở về làm nông, cụ thể là trồng lúa, nhưng trồng theo phương pháp… công nghiệp.

Ông Hồ Xuân Hiếu hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị (Tổng công ty thương mại Quảng Trị), một doanh nghiệp hàng đầu của vùng đất thép Quảng Trị. Đáng nói, cuộc “dấn thân” này khởi sự ngay khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khiến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế đình trệ. “Lúc bình thường, đầu tư vào nông nghiệp đã là cách kiếm đồng tiền khó, huống là lúc này. Nhưng chúng tôi có lý do của mình”, ông Hiếu nói.

Ông Hồ Xuân Hiếu (cầm bó mạ) giới thiệu với ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (bìa phải) về mô hình trồng lúa mới mẻ

THANH LỘC

Hồi nhỏ, gia đình cũng làm ruộng, từng lấm bùn, từng bị đỉa bu chân nên ông hiểu nỗi cực khổ của nhà nông và giá trị thấp của sản phẩm nông nghiệp. “Công ty chúng tôi lớn mạnh cũng nhờ nông dân, bây giờ có của ăn của để rồi, khát vọng của chúng tôi là quay trở lại hỗ trợ bà con bớt khổ. Giúp bà con trồng được loại gạo sạch, để bán với giá cao, cho bõ công bao ngày chân lấm bùn non mà không phải tiếp xúc nhiều với phân bón hóa học”, ông Hiếu chia sẻ.

Thuyết phục các cổ đông và “đồng đội” dấn bước vào con đường này, không dễ. Bởi như hầu hết các đơn vị sản xuất, Tổng công ty thương mại Quảng Trị cũng bị dịch Covid-19 “dập” cho tơi tả suốt 2 năm trời. Có 13 đơn vị trực thuộc nhưng “con gà đẻ trứng vàng” là Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đang tồn đọng tới 5.000 tấn sản phẩm (khoảng 250 tỉ đồng), do khâu xuất hàng sang Trung Quốc gặp khó khăn. Chưa kể trục trặc với hoạt động xuất nhập khẩu, cước vận chuyển tăng đột biến… “Mấy ai làm nông mà giàu? Nhưng tôi cho rằng, lúc này càng cần đề cao an ninh lương thực. Vì thế từ cuối năm 2020 đầu 2021, chúng tôi đã thực sự “trở về” với lúa”, ông Hiếu nói.

Trồng lúa theo cách “không giống ai”

Theo ông Hiếu, nhiều năm qua, người nông dân Quảng Trị trồng lúa thường bỏ công làm lãi, lại lạm dụng phân bón hóa học nên vừa có nguy cơ lao lực vừa đối diện với những cái “chết từ từ”. Đơn vị của ông Hiếu không bước chân vào việc đồng áng theo cách như thế, mà chọn theo một lối rất khác: tạo vi sinh vật, sử dụng phân bón...

Với phân hữu cơ, các chuyên gia sinh học của Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã tạo nên những sinh vật có lợi trên đồng ruộng bằng cách “bẫy chúng” với cơm nguội bỏ ống tre, chôn dưới ruộng 7 ngày đêm. Sau đó, đào lên, trộn vào mật mía, phun lên phân gà, ủ 30 ngày. Tiếp đó là nén viên chúng lại và cấp về cho đồng ruộng. Chưa hết, đội ngũ này cũng nghiên cứu và có cách bổ sung vi chất cho ruộng đồng theo cách thức rất lạ tai. Như sử dụng xương bò, giã, trộn với giấm, ủ 2 tuần rồi mang ra phun ở ruộng. Hay dùng vỏ trứng, trái cây, thân chuối ủ giấm hoặc trộn đường vàng, chiết ra phun…

Thậm chí, có loại “thuốc” được làm từ trứng gà và sữa. Lại có một loại “thuốc trừ sâu thảo dược” là hỗn hợp của ớt cay giã nhỏ ngâm với bia 25 ngày rồi phun lên cây lúa. Toàn bộ việc phun các loại chế phẩm này đều được sử dụng máy bay không người lái… “Có thể nghe chưa quen, nhưng cách làm của chúng tôi đều đã có những nghiên cứu và thử nghiệm ở trong và ngoài nước. Tất cả đều có tác dụng bổ sung khoáng chất, phòng trừ sâu bệnh. Việc phun loại nào là tùy vào từng thời điểm phát triển của cây”, ông Hiếu chia sẻ.

Phương pháp canh tác cũng khác biệt khi họ cho cấy lúa chứ không gieo sạ. Với giống lúa ngon nhất thế giới ST 25, các chuyên gia của công ty gieo hạt trên khay, sau 22 ngày mới mang ra đồng. Suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, ngoài các sinh phẩm vừa nêu thì không sử dụng thêm bất kỳ loại phân bón hóa học nào. Đến ngày thu hoạch, công ty mua lúa ngay tại ruộng với giá 11.000 đồng/kg. “Bà con làm ăn với công ty chúng tôi khá nhàn. Chỉ cày ruộng, bón phân và thăm đồng nhưng tiền lãi tối thiểu là 20 triệu đồng/ha. Còn lại chúng tôi làm tất”, ông Hiếu nói.

Sau khi thu mua, công ty lập tức đưa vào hệ thống sấy với công suất 200 tấn/ngày. Sấy xong, cho vào kho bảo quản và lắp cả điều hòa để đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 35 độ C. “Bước vào kho gạo, thơm lừng!”, ông Hiếu khoe.

Việc gieo mạ ra đồng của Tổng công ty Thương mại Quảng Trị khá lạ lẫm

THANH LỘC

Khát vọng thương hiệu gạo Quảng Trị

Với việc trồng lúa hữu cơ, có nguyên tắc “3 giảm, 3 tăng” mà vị doanh nhân này đang hướng đến. Cụ thể, bà con nông dân sẽ giảm phụ thuộc thời tiết, vào “con buôn” và thuốc bảo vệ thực vật. Còn 3 tăng là tăng sức khỏe cho người nông dân vì không tiếp xúc với hóa chất, tăng thu nhập cho nông dân, tăng sản phẩm sạch cho xã hội và gia đình.

Giấc mơ mà ông Hiếu đang ấp ủ là đến năm 2025 sẽ trồng được 3.000 diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP, trong đó có 1.000 ha đạt chuẩn hữu cơ. Theo lộ trình, tháng 5 doanh nghiệp ra mắt “gạo hữu cơ Sê Pôn”, đến tháng 10 sẽ có lô gạo xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ.

Nghĩ lớn, làm lớn, Tổng công ty thương mại Quảng Trị đang đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị cấp 16 ha đất ở Khu kinh tế Đông Nam để xây dựng hệ thống nhà máy, nhà kho, khu vực cấy lúa quy mô chưa từng có ở Quảng Trị chỉ để phục vụ cho cây lúa, hạt gạo. Hiện các bước thủ tục đang triển khai. “Có người hỏi tôi sao lại chọn cuộc “trở về” với giá trị nông nghiệp, với cây lúa vào lúc này. Bởi đây thực sự là cuộc “trở về” tốn kém. Nhưng đây không phải kỳ vọng của riêng cá nhân tôi, mà còn là kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, của bà con nông dân về hướng đi bền vững trong sản xuất lúa gạo ở vùng đất khô cằn như Quảng Trị”, ông Hiếu tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.