Đây là một xã biên giới của H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên, phía đông giáp tỉnh Sơn La, phía tây giáp xã Phu Luông, phía nam giáp Lào và phía bắc giáp H.Điện Biên Đông.
Đoàn TP.HCM (gần 100 thành viên là các cán bộ tuyên giáo, lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên tiêu biểu của các cơ quan báo chí, xuất bản tại TP.HCM) đã đi qua 60 km con đường vành đai biên giới; để chiều 14.12, đến thăm UBND xã Mường Lói (H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tặng quà cho một số gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh của xã.
Xe lăn bánh qua con đường uốn lượn, ngoằn ngoèo. Nắng rọi vào mặt qua kính xe, trời trong vắt. Quang cảnh Điện Biên hiện ra hùng vĩ trước mắt tôi với "sông mường, ruộng bản".
Nhiều đoạn hoang vắng tiêu sơ, chỉ có những rặng đồi được bao phủ bởi cánh rừng già nguyên sinh trùng trùng điệp điệp nối nhau. Nhiều đoạn hai bên đường thấy những nhà sàn Thái, dân bày ra bán bánh chưng gù, thịt lợn nướng.
Ông Lường Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Mường Lói, cho biết xã có diện tích tự nhiên gần 16.000 ha, có 498 hộ dân và hơn 2.500 nhân khẩu với 4 dân tộc chính là Mông, Lào, Khơ Mú, Kinh.
Ông Biên nói tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại xã còn cao (chiếm hơn 62,6% tổng hộ dân của xã). Địa bàn xã rộng, đường xá đi lại, hệ thống cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các bản vùng cao xa trung tâm. Hiện xã mới có 2/8 bản được sử dụng điện lưới quốc gia và 2/8 bản được phủ sóng điện thoại. Đời sống cư dân chủ yếu phụ thuộc và nông, lâm nghiệp nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.
Đi kèm theo điều kiện kinh tế khó khăn là sự hạn chế về giáo dục khi nhiều phụ huynh chưa quan tâm nhiều việc học của con em. Hiện xã có 2 trường mầm non và tiểu học với 552 học sinh.
Cô giáo Lường Thị Lan, Tổng phụ trách Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lói, cho biết: trường cách UBND xã Mường Lói chừng 1 cây số, hiện có 309 học sinh, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, Lào, Mông.
Các em học sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mường Lói, giao lưu văn nghệ
PHẠM THU NGÂN
"Đa số các học sinh đều ở xa, chủ yếu là các điểm bản, nhà em gần nhất cũng cách trường 20 km, xa nhất 40 km. Liên lạc gia đình của các em cũng khó vì giờ chỉ có 2/8 điểm bản có điện thoại. Mọi sinh hoạt, từ ăn, ngủ, nghỉ của các em đều ở trường, khoảng tầm vài tháng thì ba mẹ các em sẽ đến đón, thăm. Nói chung, còn nhiều vất vả", cô Lan nói.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết theo giới thiệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, đoàn đại biểu TP.HCM có dịp đến thăm UBND xã, các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Đồn biên phòng Huổi Puốc và bà con, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo của xã.
Trao quà cho các hộ gia đình khó khăn và học sinh hiếu học ở xã Mường Lói
PHẠM THU NGÂN
"Chúng tôi đến đây, giá trị vật chất gửi gắm bà con không nhiều, nhưng đó cũng là tấm lòng của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí ở TP.HCM đóng góp. Hy vọng góp phần giúp bà con nghèo vượt qua khó khăn, phấn đầu cho cuộc sống tốt hơn", ông Phong nói.
Đoàn đã gửi trao tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình của xã Mường Lói và Đồn biên phòng Huổi Puốc với tổng giá trị 160 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn gửi tặng 60 chiếc áo ấm, tập vở cho các em học sinh...
Trước đó, sáng 14.12, đoàn đại biểu TP.HCM có buổi thăm, làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên về các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).
Báo cáo trước đoàn đại biểu TP.HCM, bà Lò Thị Minh Phượng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, cho hay địa phương là tỉnh miền núi, biên giới và là tỉnh duy nhất có biên giới đất liền tiếp giáp với cả hai quốc gia Lào và Trung Quốc.
Tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh 17,38% và còn lại các dân tộc khác. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước đạt 7,86%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26%.
Sắp tới dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dự kiến sẽ có những hoạt động như: phấn đấu hoàn thành 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh; triển khai đầu tư xây dựng các công trình gồm cảng hàng không Điện Biên Phủ (đưa vào hoạt động vào ngày 2.12), sửa chữa sân vận động tỉnh và cải tạo một số điểm di tích và dự án cầu Thanh Bình (khánh thành vào ngày 10.12)…
Cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch như lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ IX, Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ IV năm 2024 và Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức tại thị xã Mường Lay vào đầu tháng 1.2024, lễ hội hoa anh đào tổ chức vào trung tuần tháng 1.2024, lễ hội hoa ban tháng 3.2024.
Bà Lò Thị Minh Phượng cho biết, hiện chưa cân đối được nguồn lực từ ngân sách địa phương để bố trí cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hiện nay tỉnh đang chờ các nguồn lực từ Trung ương hỗ trợ cho tỉnh.
Qua đó, đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và các cơ quan báo chí quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để lan tỏa đến người dân trong và ngoài nước về sự kiện, hình ảnh Điện Biên.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết các cơ quan báo chí sẽ luôn đồng hành ủng hộ, tập trung truyền thông sâu về kế hoạch đề án mà tỉnh Điện Biên đang tập trung để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng tâm huyết, trách nhiệm. Ông Phong cho rằng, cả nước cũng cần có trách nhiệm để cùng Điện Biên chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện này.
Từ ngày 12 - 16.12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức chuyến về nguồn "Qua miền Tây Bắc" cho các cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TP.HCM. Chuyến hành trình đi qua các tỉnh Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ.
Đoàn đại biểu TP.HCM đã đến thăm di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ nhà tù Sơn La; dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ; tham quan Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ như Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ðồi A1.
Bình luận (0)