Trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội còn phổ biến

24/04/2018 04:36 GMT+7

Tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) còn phổ biến được nêu ra trong báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng quỹ BHXH năm 2017, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 23.4.

Hơn 300.000 doanh nghiệp không tham gia BHXH
Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, đề án Cải cách chính sách BHXH đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu dự kiến trình Hội nghị T.Ư 7 xem xét vào tháng 5 tới. Cụ thể, phương án 1: nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 62, với lộ trình điều chỉnh mỗi năm 3 tháng. Phương án 2: nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 65, với lộ trình điều chỉnh mỗi năm 4 tháng. Theo ông Dung, cả 2 phương án đều được thiết kế để điều chỉnh có lộ trình, tránh gây sốc cho xã hội.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, năm 2017, đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng chỉ 5 - 6%, rất khó đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. “Do tình trạng trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến nhưng giải pháp khắc phục chưa đạt hiệu quả hữu hiệu. Việc khởi kiện các doanh nghiệp (DN) trốn đóng, nợ BHXH chưa có chuyển biến. Số người lĩnh BHXH 1 lần tiếp tục tăng cao”, ông Dung cho hay.
Theo ông Dung, tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,76% so với năm 2016 và 227.506 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 11,6% so với năm 2016. Nhưng, theo thông tin từ cơ quan thuế, toàn quốc có khoảng 600.000 DN đang hoạt động, song BHXH VN chỉ đang quản lý thu BHXH với 230.000 DN; trên 300.000 DN đang hoạt động không tham gia BHXH. Còn theo thống kê của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cả nước có khoảng 3 triệu người làm việc tại các DN chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Bà Đỗ Thị Lan (đoàn đại biểu Quảng Ninh) nhận định, với tổng số người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) khoảng 13,9 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 25,8% lực lượng lao động hiện nay là quá thấp. Bà Lan đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nói rõ về giải pháp đạt tỷ lệ bao phủ BHXH năm 2018 và các năm tiếp theo.
Ông Dung cho rằng, gốc của vấn đề nằm ở việc dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. “Hiện nay, 66% số lao động của chúng ta nằm ở khu vực phi chính thức. Vì vậy, nếu không giải quyết được bài toán này thì sẽ không đạt được tỷ lệ 50% như đã đặt ra”, ông Dung nói và cho hay, mục tiêu 50% là không sát thực tiễn do tính cả số người lao động ở khu vực phi chính thức.
Bảo hiểm tự nguyện kém hấp dẫn
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu: Việc phát triển BHXH tự nguyện trong năm 2017 còn chậm, chưa hấp dẫn. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Bên cạnh đó, số lượng người hưởng BHXH 1 lần đang tăng rất nhanh. Trong năm 2017 có tới 66.000 người, tương đương số người tham gia vào hệ thống BHXH. “Điều này là trái với mục tiêu an sinh xã hội, ảnh hưởng tới nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH toàn dân”, ông Lợi nhận định, đồng thời đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nêu quan điểm và giải pháp cho vấn đề này.
Theo ông Đào Ngọc Dung, khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội cho thấy, trên 70% số người được hỏi chưa biết tới chính sách hỗ trợ của nhà nước với người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hỗ trợ 30% (hộ nghèo), 25% (hộ cận nghèo) và 10% (các hộ còn lại) vẫn chưa đủ hấp dẫn. “Nếu muốn phát triển BHXH tự nguyện ở nông thôn thì từng bước phải áp dụng như với bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ hiện nay lên đến 46%”, ông Dung nói.
Về việc số người hưởng BHXH 1 lần tăng nhanh, ông Dung cho rằng, không nước nào thiết kế chính sách lại hào phóng như VN, đóng ít hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng dài, hưởng cả hỗ trợ nhà nước lại hưởng cả phần đóng của DN. Theo ông Dung, để giải quyết tình trạng này, đề án Cải cách chính sách BHXH chuẩn bị cho Hội nghị T.Ư 7 vào đầu tháng 5 tới đã đề xuất phương án, nếu hưởng BHXH 1 lần thì chỉ hưởng phần cá nhân người tham gia đóng góp chứ không hưởng cả phần hỗ trợ của nhà nước và DN như hiện tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.