Bộ trưởng ngành Giáo dục từng kêu gọi lo cho giáo viên vùng sâu một cái tết ý nghĩa. Nhưng chúng tôi, những giáo viên ở thị xã cũng có hơn gì. Cứ Tết đến là chúng tôi vô cùng ‘sợ’…
Quanh năm lo “trồng người”, một trong những công việc đặc biệt của xã hội, nhưng hầu hết các thầy cô vẫn phải sống trong khó khăn, thiếu thốn - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Tết đến xuân về, đề tài tiền thưởng cuối năm luôn nóng hơn bao giờ hết. Nào là doanh nghiệp A mức thưởng cao nhất lên đến vài trăm triệu đồng, xí nghiệp B do làm ăn thua lỗ nhưng mức thưởng năm nay thấp nhất cũng được vài triệu…hết chuyện thiên hạ lại đến chuyện nhà. Ai cũng ngậm ngùi cho “nghề cao quý” mà tiền thưởng thì quá ư bèo bọt, có trường được vài ba trăm ngàn, có nơi chỉ ký hạt dưa hay cân đường, hộp sữa. Mức thưởng tết chỉ mang tính động viên tinh thần là chính.
Để có được mức thưởng dăm trăm ngàn đồng cho giáo viên, nhà trường cũng phải tiết kiệm tối đa những khoản chi tiêu. Bởi vì, tiền thưởng được trích lại từ tiền hoạt động mà kinh phí cấp cho trường, phải nhờ vào việc “thắt lưng buộc bụng” thật khéo trong cả năm.
Giáo viên phần lớn chỉ sống bằng đồng lương, mà thực ra mức lương của thầy cô so với các ngành khác cũng không thấp nếu không muốn nói là cao hơn. Nhưng có lẽ, đồng lương “ba cọc ba đồng” mà không có chút bổng lộc gì thêm nên đời sống của đại bộ phận giáo viên rất thấp. Hằng tháng, phải chắt chiu tính toán mới đủ chi tiêu và dành dụm chút ít phòng khi trái gió trở trời. Tháng nào lương nhận chậm hơn khoảng dăm ngày thì cả trường cứ “tao tác” vì người nọ hỏi mượn người kia.
Một số giáo viên trong trường có cuộc sống khá giả hơn tí chút, người nhờ được chồng làm ngành nghề khác, kẻ nhờ ba mẹ giúp cho, một ít thầy cô trong số đó có tiền dạy thêm. Nếu hai vợ chồng là nhà giáo đành ngậm ngùi “giật gấu vá vai” chứ biết làm sao. Hình như ngân hàng cũng đồng cảm với các thầy cô, nên tết đến họ thường cho giáo viên nhận trước lương tháng tới. Chỉ là nhận trước mà giáo viên vui mừng biết bao nhiêu. Nhưng tết qua rồi thì nỗi buồn lại tăng gấp bội vì tiền lương tháng tới đã hết. Họ lại phải vay đầu nọ, đập đầu kia mới ổn định được cuộc sống.
Điều mà họ sợ nhất là tết, trong khi ngân sách gia đình không tăng mà bao chuyện phải lo: Tiền đi tết nội, ngoại. Nhìn em út rút dăm ba triệu đưa ba mẹ mà mình cứ thấy “lạnh run”. Có gia đình, ba mẹ chồng thông cảm cho cái nghề thu nhập thấp của con nên không trách gì. Nhưng cũng có nhà, ba mẹ rào trước đón sau: “Làm anh, làm ả thì ngả mặt lên” nên mỗi dịp tết đưa tiền biếu bố mẹ, nàng dâu phải lánh mặt để chồng chịu trận.
Lo xong khoản đi tết đã rát mặt lại đến chuyện sắm sửa tết trong nhà. Không có gì mệt hơn là người nghèo đi chợ tết. Cái gì cũng hỏi giá và tiêu chí chọn đồ giá rẻ luôn được ưu tiên hàng đầu.
Có thầy cô chia sẻ: Năm nào con cũng đòi mẹ mua cho vài ba bộ đồ tết, đôi giày mới để dập dìu như chúng bạn. Nhưng khi nghe mẹ nói, nhà mình nghèo phải tiết kiệm thì bé la lên: “Năm nào mẹ cũng nói nhà mình nghèo, vậy khi nào mới giàu hả mẹ?”. Có lẽ khổ nhất vẫn là chuyện mừng tuổi đầu năm, cái ăn, cái mặc chưa dư dả, lấy đâu tiền nhiều mà lì xì? Đi nhiều phải lì xì lắm, chuyện lì xì ai bao nhiêu cũng phải tính “nát nước”, phải có kế hoạch rạch ròi kẻo thâm nợ nhiều thì nguy. Bà con, cháu chắt trong nhà chí ít cũng năm chục trở lên. Trẻ nhỏ hàng xóm giá chót cũng hai mươi ngàn đồng. Khổ nỗi bây giờ, vừa đưa phong bao cho trẻ, chúng vô tư bóc xem trước mặt và lạnh lùng phán những câu làm chạnh lòng người lớn: “Sao mà bèo thế, chỉ có 20 ngàn thôi à?”. Dù có khéo lo toan mọi thứ, một cái tết cũng ngốn hết chục triệu đồng. Số thâm thụt này phải trả cả năm mới hết được.
Mơ tháng lương 13. Có được lương tháng 13 là niềm ước ao, mong mỏi của tất cả thầy cô trong nghề. Ước mong có được chút tiền thưởng dăm ba triệu để mua cho con ít bộ đồ mới, đi tết nội, ngoại cho ra tấm ra món, sắm sửa vài vật dụng trong nhà, rồi làm mâm cỗ cúng tổ tiên cho tươm tất hay vui mừng phấn khởi đón bà con về tụ họp…Nhưng cứ thấy xa vời vợi…
Cách đây vài năm, vị Bộ trưởng của ngành đã từng kêu gọi mọi người chung tay lo cho giáo viên vùng sâu một cái tết cho ý nghĩa. Nhưng chúng tôi, những giáo viên ở ngay trung tâm thị xã cũng có hơn gì khi cả năm làm cật lực mới được dăm trăm ngàn tiền thưởng cũng là cố gắng rất lớn của các trường học. Ước mong có được lương tháng 13 mãi cũng chỉ là mong ước khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp mà số lượng thầy cô trong cả nước lại quá đông. Cảm thông với cái nghèo của ngành giáo dục thì thầy cô chỉ biết “trốn tết” là thượng sách.
Bình luận (0)