Ông Nguyễn Văn Hường (ngụ ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện) cho biết gia đình ông có trên 1 ha đất vườn trồng xoài, sầu riêng, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Mấy năm gần đây, ông tận dụng phần đất trống dưới tán vườn trồng thêm các loại kiểng lá như cau vàng, trúc bách hợp, trúc đốm...
tin liên quan
Mô hình xoài Úc xen chanh dâyÔng Nguyễn Văn Lin chỉ trồng 1.500 bụi cau vàng dưới tán cây sầu riêng nhưng mỗi tháng thu nhập trên 5 triệu đồng. Ông Lin cho biết cau vàng trồng bằng hột, khoảng một năm cây mọc thành bụi và cho lá. Cứ 40 ngày thương lái đến tận vườn thu mua và mướn người cắt, làm lạnh trước khi chở đi các nơi giao hàng.
Hiện toàn xã Quới Thiện có tới 400 ha trồng cau vàng, tập trung chủ yếu tại các ấp Rạch Sâu, Rạch Vọp. Trồng cau vàng không tốn thêm diện tích, cũng không cần tưới phân, xịt thuốc, vì phân thuốc bón cho cây tầng trên sẽ thấm vào lòng đất, tạo nguồn dinh dưỡng cho cau.
Ông Đoàn Thanh Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Quới Thiện, cho biết: “Ban đầu bà con trồng cau vàng với mục đích làm cảnh và bán lá phụ thêm. Không ngờ cau vàng trở thành mặt hàng tiêu thụ mạnh, thu nhập không thua gì cây ăn trái. Mô hình trồng này cũng giải quyết công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương, với các công việc như cắt, thu gom lá...”.
Bà Huỳnh Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quới Thiện, cho biết mô hình trồng kiểng lá, đặc biệt là cau vàng rất được hội quan tâm, lấy làm mẫu để hội viên học hỏi và phát triển trong tương lai.
Bình luận (0)