Trống Đông Sơn quý
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết trống đồng Kính Hoa, đang thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Kính (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội), là chiếc trống đồng Đông Sơn quý. “Trống đồng Kính Hoa được xếp vào nhóm A cùng với trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa”, ông Tín nói. Trước đó, những chiếc trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa đều đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Tư liệu của Sở VH-TT Hà Nội cho biết trống được đúc bằng loại khuôn phá, kiểu khuôn đúc 3 mang phổ biến thời Đông Sơn. Sau khi đúc xong, khuôn sẽ bị đập vỡ để lấy trống, do đó mỗi chiếc trống đồng đúc ra đều là độc nhất.
Mặc dù vậy, do là một quà tặng cá nhân, hiện không có thông tin về nơi đã tìm thấy trống đồng Kính Hoa. “Nếu có thông tin trống đào thấy ở đâu thì giá trị của nó còn lớn hơn cả trăm lần. Mặc dù vậy, nó đúng là trống Đông Sơn thật nên giá trị vẫn rất lớn. Trống đồng Kính Hoa cũng giống như trống Ngọc Lũ ở chỗ không biết xuất xứ ở đâu. Khi người nước ngoài phát hiện ra trống Ngọc Lũ thì nó đang được thờ”, PGS-TS Tín phân tích.
Hồ sơ bảo vật cho thấy theo thống kê, tới nay ở nước ta có khoảng hơn 250 chiếc trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Cùng với các trống thuộc kiểu A1 trong nhóm A như: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà... trống đồng Kính Hoa là một trong những hiện vật có các loại hoa văn trang trí đẹp nhất.
|
Hoa văn lạ
PGS-TS Tống Trung Tín cho biết trống đồng Kính Hoa có những yếu tố mới lạ, độc đáo. “Chẳng hạn, vành hoa văn trống có hàng loạt giao long đang giao nhau. Đồ án này trước đó không trống nào có. Chúng ta mới chỉ thấy hình một cặp giao long trên rìu, trên giáo và hộ tâm phiến (miếng che ngực). Nhưng ở trống Kính Hoa có một loạt giao long, làm thành vạch trang trí riêng”, ông Tín nói. Điều này cho thấy mối quan hệ thống nhất của bộ công cụ đồ đồng thời Đông Sơn.
Về sự xuất hiện của giao long, hồ sơ bảo vật cho biết có thể từ thời Đông Sơn cá sấu mà ta quen gọi là giao long là một dạng linh vật. Vì vậy, chúng được người Việt cổ ưa chuộng và thường khắc họa ở vị trí trang trọng của vật dụng, mà ở chiếc trống này là trung tâm mặt trống.
Hồ sơ bảo vật còn cho biết một mô típ lần đầu xuất hiện trên trống này, đó là hình chim đậu trên lưng cá sấu. Mặc dù chim và cá sấu là hai loài động vật khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình thời Đông Sơn, nhưng họa tiết chim đậu trên lưng cá sấu này thì ở trống Kính Hoa mới thấy. Họa tiết này nằm trong một vành hoa văn mô tả người, thuyền, nhà sàn và nhiều động vật trong các tư thế khác nhau.
Cũng theo hồ sơ bảo vật, trên mặt trống đồng Kính Hoa có một vành hoa văn hình các con vật có đuôi dài, được bố trí cách đều nhau. Thân của loài động vật này có hình gần bầu dục, phần trên viền tròn, phần dưới có các đoạn gạch ngắn song song, giống như những chiếc gai, đoạn đuôi nhọn và dài hơn chiều dài của thân. Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là loài sam biển. Sam biển cũng chưa từng xuất hiện trên các trống đồng Đông Sơn hiện biết.
Tư liệu mới
Hồ sơ bảo vật nhấn mạnh việc qua trống đồng Kính Hoa, với sự khắc họa sam biển và cá sấu, chúng ta có thể thấy môi trường, cảnh quan và cuộc sống của cư dân Đông Sơn là môi trường đồng bằng cận biển, nhiều bùn, nhiều kênh rạch phù hợp với hai động vật này. Nó cũng minh chứng cho việc người Đông Sơn ở đồng bằng cận biển là chủ nhân đúc ra trống, hoàn toàn không phải là người ở xa biển mang tới địa bàn người Đông Sơn cư trú.
Theo Sở VH-TT Hà Nội, trống đồng Kính Hoa cung cấp nhiều bằng chứng khoa học để tìm hiểu đời sống vật chất (ăn, mặc, ở) và tinh thần (lễ hội, tín ngưỡng), cũng như kỹ thuật đúc đồng, luyện kim của con người thời Đông Sơn. Đặc biệt, việc tìm thấy các vết vải in trên mặt trống, ngoài việc khẳng định tính nguyên bản của trống, còn chứng minh rằng người Việt cổ thời Đông Sơn đã biết dệt vải để làm quần áo. Đây là bằng chứng thuyết phục để phản bác lại quan điểm của một số sử gia Trung Quốc cho rằng cư dân Âu Lạc chưa biết chế tác ra quần áo phục vụ cuộc sống của mình.
Cũng theo hồ sơ bảo vật, việc trang trí mô hình nhà sàn trên tang trống đồng Kính Hoa đã góp phần bổ sung cho di sản văn hóa Đông Sơn một dạng nhà sàn đơn sơ, không phải loại để ở. Loại nhà này chỉ gồm 4 cọc gỗ, trên có sàn, không có mái. Nó như một dạng cơi thêm diện tích phụ, bên đầu hồi của ngôi nhà sàn chính, mà chúng ta vẫn thường thấy ở một số dân tộc miền núi Tây Bắc. Dạng nhà sàn này không giống như các dạng nhà sàn mái cong, mái tròn đã từng xuất hiện trên những trống đồng Đông Sơn hiện biết ở nước ta.
Bình luận (0)