'Trong hoạn nạn, tình người cao quý hơn bất cứ vật chất nào'

21/05/2021 07:07 GMT+7

Đó là câu trả lời giản dị của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh (ảnh) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên về chuyện Đà Nẵng vừa kiên cường chống dịch, vừa hỗ trợ các địa phương khác.


ẢNH: NVCC

Tiên phong triển khai thành công phương pháp xét nghiệm gộp, Đà Nẵng cho thấy hình ảnh một địa phương sáng tạo, chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 17.5 vừa qua, TP.Đà Nẵng gây bất ngờ khi quyết định hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang 12.000 kit test Covid-19.
Trước đó, Đà Nẵng cũng chi viện Hải Dương 2 tỉ đồng hay việc hỗ trợ, chia sẻ với du khách kẹt lại TP hồi đợt dịch thứ 2 (không lấy phí khách sạn, lo cơm nước cho khách...) và tiếp nhận nhiều chuyến bay đón kiều bào hồi hương...
Trong bối cảnh đang huy động mọi nguồn lực, tập trung phòng chống đại dịch Covid-19 tại địa phương, điều gì thôi thúc lãnh đạo Đà Nẵng thực hiện những nghĩa cử này, thưa ông?
Năm 2020, khi cả nước vừa trải qua đợt dịch thứ nhất, TP.Đà Nẵng bắt đầu khởi động các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt kế hoạch, chương trình được triển khai, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Bất ngờ, cuối tháng 7.2020, dịch bệnh lại bùng phát vào đúng khu vực “yếu điểm” là nơi đang điều trị những bệnh nhân mạn tính, chạy thận nhiều năm, bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. TP gần như phong tỏa, dừng tất cả mọi hoạt động.
Trong những ngày tháng gian khó đó, TP.Đà Nẵng nhận được sự hỗ trợ, đồng lòng, động viên của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cả nước; chúng tôi cảm kích trước sự dũng cảm, chia sẻ của y bác sĩ các đơn vị, địa phương đã đến Đà Nẵng để hỗ trợ công tác y tế.
Bên cạnh đó, là địa phương từng trải qua đợt dịch bệnh, chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn, lúng túng trong công tác phòng, chống dịch. Cũng có những ý kiến đề nghị việc tiếp nhận các chuyến bay đón người nhập cảnh về, Đà Nẵng chỉ cho đáp xuống sân bay Đà Nẵng, còn các địa phương chủ động có kế hoạch đón công dân, chuyên gia về thực hiện áp dụng các biện pháp y tế tại địa phương.
Nhưng sau khi cân nhắc, tập thể lãnh đạo TP cho rằng, với vị thế là TP đầu tàu ở khu vực miền Trung và Tây nguyên, có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống, khám, chữa bệnh đối với Covid-19, các tỉnh trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều nên từ đầu năm 2021 đến nay, TP đã tiếp nhận hơn 11.800 lượt người nhập cảnh, trong số đó, phát hiện và chữa trị cho 72 bệnh nhân Covid-19.
Trong cơn hoạn nạn, chúng tôi cho rằng nghĩa đồng bào, tình người cao quý hơn bất cứ vật chất nào. Do vậy, TP.Đà Nẵng sẵn sàng chia sẻ đến các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Sự hỗ trợ không lớn nhưng chúng tôi mong rằng sẽ bớt đi phần nào gánh nặng và sự gian khó của Bắc Ninh, Bắc Giang lúc này.
Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho CDC Đà Nẵng nhờ thành tích lập kỷ lục lấy gần 22.000 mẫu xét nghiệm trong một ngày trên toàn địa bàn TP. Là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những ưu việt trong cách thức xét nghiệm và chống dịch của Đà Nẵng đợt dịch lần này cũng như kế hoạch, mục tiêu triển khai xét nghiệm diện rộng trong thời gian tới như thế nào?
Đây là câu chuyện bắt đầu từ đợt dịch 2020 tại TP.Đà Nẵng, khi chúng tôi phát hiện ca bệnh đầu tiên, và ngay sau đó là 45 ca bệnh trong một ngày. Tất cả chúng tôi thật sự cảm thấy choáng váng. Nhưng ngay sau đó, hàng hoạt biện pháp đã được triển khai thực hiện. Việc quan trọng là phải làm sao tiến hành truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm nhanh nhất, nhiều nhất các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Lúc đó cũng không ít người băn khoăn và Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo TP, sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó của tập thể Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), chúng tôi đã thực hiện thành công việc xét nghiệm mẫu gộp nhóm 5. Đến đợt dịch thứ 3, năm 2021, CDC Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10.
Số lượng mẫu bệnh phẩm được gộp tối đa hiện nay đang thực hiện là 10 mẫu bệnh phẩm/ống (mẫu gộp que). Sau đó, tiến hành gộp 2 mẫu gộp que/1 mẫu gộp dung dịch. Như vậy, sau 2 lần gộp tại thời điểm lấy mẫu và sau đó gộp tại phòng xét nghiệm từ 2 mẫu đã gộp lần 1, lượng mẫu tối đa có thể xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng. Với phương pháp này, từ ngày 3 - 20.5.2021, toàn TP xét nghiệm 239.035 trường hợp. Ngày cao nhất, chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm được 36.670 (ngày 20.5) trường hợp.
Ngoài việc tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn, quan trọng hơn cả, phương pháp xét nghiệm của Đà Nẵng có thể đẩy nhanh tiến độ trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng. Hiện nay, TP đang thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng theo đại diện hộ gia đình trên địa bàn TP. Dự kiến từ ngày 18 - 21.5, chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch này.
Đà Nẵng đang cho thấy hiệu quả của sự chủ động trong công tác chống dịch, theo ông yếu tố nào quan trọng nhất khi thực hiện việc này?
Thành công lớn nhất của Đà Nẵng chính là sự đồng thuận, vào cuộc và chia sẻ của người dân TP. Ngay những ngày đầu tiên triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, dừng các sự kiện đông người, sau đó là dừng không bán hàng quán tại chỗ, không tập trung quá 5 người... đều nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, tổ chức, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vẫn tìm cách huy động nguồn lực để hỗ trợ, cung cấp hàng ngàn suất ăn, nước uống, khẩu trang y tế, nước xịt khuẩn… cho các điểm trực chốt cách ly y tế, các hộ dân khó khăn trong khu vực phong tỏa. TP cũng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các địa phương, doanh nghiệp....
Là một trong những thủ phủ du lịch của cả nước, ông có thể cho biết, dịch bùng phát nhiều lần ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch nói riêng cũng như kinh tế nói chung của Đà Nẵng?
Đúng thế, hoạt động du lịch TP là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Chúng tôi cũng xác định sự phục hồi kinh tế TP sẽ còn chậm và chưa đồng đều, một số lĩnh vực ngành nghề tiếp tục bị tác động do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, chưa có đà tăng trưởng, chủ yếu do khách du lịch đến TP vẫn chưa cao; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên các thị trường nhìn chung vẫn chưa hồi phục.
Trước mắt, TP sẽ tập trung khống chế dịch bệnh, duy trì, không làm đứt gãy chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các đơn vị, địa phương vẫn tiến hành nghiên cứu, xây dựng các phương án để triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án để khi tình hình dịch bệnh được khống chế, sẽ ngay lập tức triển khai, không bị động, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.