'Trong một giải thể thao mà không được nghe quốc ca đặt ra nhiều vấn đề'

28/03/2022 10:29 GMT+7

Chính phủ đề xuất quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca trong đời sống, đặc biệt là trên không gian mạng vào luật Sở hữu trí tuệ đang được Quốc hội sửa đổi.

Sáng 28.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến thảo luận dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

gia hân

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021), Chính phủ có báo cáo đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều 7 của luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca không được làm ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca.

Theo báo cáo của Chính phủ, quy định này nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca theo quy định của pháp luật;” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào điều 7.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca”.

Nêu ý kiến, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), cũng đồng tình bổ sung quy định này vào dự thảo luật. Theo đại biểu Nam, vừa qua, có một số vụ việc liên quan quốc ca trên không gian mạng như việc ngắt tiếng khi phát quốc ca trên Facebook, YouTube, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia.

"Vừa qua, trang bán hàng của Amazon tại Nhật Bản có đăng bán thảm chùi chân có hình quốc kỳ Việt Nam. Mô tả còn nói rõ thảm đặt ngoài trời, trước cửa... là hành vi xúc phạm quốc kỳ Việt Nam", ông Nam nói và cho rằng những vụ việc như thế cần có giải pháp khắc phục và việc bổ sung quy định là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thì nêu băn khoăn liệu phương án có giải quyết được vấn đề đang đặt ra một cách triệt để hay không.

Theo ông Long, "việc trong một giải thi đấu thể thao mà khán giả lại không được nghe quốc ca đặt ra rất nhiều vấn đề".

"Rà soát lại các văn bản pháp luật thì thấy có vấn đề khá lớn. Đó là hiện chưa có văn bản nào quy định việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca hiện chưa có văn bản nào quy định. Ta phải trích văn bản từ năm 1957. Đây là lỗ hổng trong cơ chế pháp lý", đại biểu Long nêu quan điểm.

Từ đó, đại biểu Đồng Nai đề nghị luật nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. "Quy định sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca không ai hơn là Chính phủ. Hiện nay, chúng ta chưa giao cho ai quy định, hướng dẫn sử dụng, và vẫn phải trích dẫn văn bản rất cũ", đại biểu Long đề xuất.

Dự án luật này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.