Các thế hệ giáo viên nối tiếp đến với miệt biển nghèo khó Ngư Thủy Bắc (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) để gieo chữ, ươm mầm tương lai cho vùng đất đầy nắng gió và cát bỏng.
Thầy Lê Văn Cường bên học trò Ngư Thủy Bắc - Ảnh: T.Q.N |
Về Ngư Thủy Bắc vào một ngày trung tuần tháng 11, bình thường phải hứng chịu những trận mưa gió rét mướt tê tái lòng người thì nay lại nắng nóng chói vào cát trắng lóa cả mắt. Cùng là miệt cát nhưng không như nhiều nơi khác, cát ở đây khô khốc, rời rạc, trắng xóa nên gần như không thể trồng trọt sản xuất. Ruộng đồng không có, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào biển, nhưng vì biển bãi ngang nên cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, nhất là những tháng mưa gió thì... bó gối.
Trong tình cảnh như thế, việc dạy học ở đó đủ bề khó khăn. Trong tổng số 23 cán bộ giáo viên của trường thì chỉ có 2 người địa phương đó là giáo viên bộ môn toán - lý Hồ Xuân Lãm và nhân viên y tế Dương Văn Đức. Người dân Ngư Thủy Bắc tự hào về thầy Lãm lắm, bởi lẽ xưa nay chỉ có giáo viên các xã khác (người Ngư Thủy Bắc gọi là trong roọng, ý nói các xã có ruộng ở phía trong) đến dạy cho con em họ. Cho đến giờ, dân Ngư Thủy Bắc làm nghề giáo chỉ được đâu đôi ba người.
Thế mới thấy, sự học ở miệt biển này gian nan gấp bội. Thầy Đức tâm sự với tôi rằng: “Xưa nhiều lứa tuổi trên dưới em đi học cấp 3 đếm trên đầu ngón tay, bởi đi về gần 40 km, nên học xong lớp 9 là bỏ hết. Bà con quan niệm đơn giản học cũng đi biển, không học cũng đi biển, mà đã đi biển thì có học quan trọng gì đâu”. Còn thầy giáo Lê Văn Cường nói: “Mùa hè bà con đi biển, thả con cái ở nhà. Đến mùa đông họ kéo nhau vào các tỉnh phía nam làm thuê, cũng thả con ở nhà nốt. Con cái gần như phó mặc cho ông bà và nhà trường”.
Trừ thầy giáo Lãm và Đức, 21 người còn lại đều ở các xã khác đến Ngư Thủy Bắc, xa thì 50 km, gần cũng vài cây số; người ở bán trú, người ở nội trú. Có trường hợp vợ chồng cách biệt như Lê Anh Doãn (31 tuổi, giáo viên thể dục - tổng phụ trách đội). Doãn quê H.Quảng Ninh, nhà ở cách trường hơn 30 km. 6 năm về trước, Doãn chân ướt chân ráo lên Ngư Thủy Bắc, sự mộc mạc chân chất miền cát trắng đã níu kéo anh đến tận bây giờ. Đi dạy vài năm, anh gặp Nguyễn Thị Quỳnh Giang quê tận miền sơn cước Sơn Hóa (H.Tuyên Hóa); hai người có với nhau đứa con nay tròn 4 tuổi. Giang đang là giáo viên văn - sử ở xứ xa xôi cách trở Ngư Hóa, tính ra 2 vợ chồng cách nhau đến 150 km. Hai tuần Doãn mới gặp con 1 lần. Dùng bữa trưa với Doãn và một số giáo viên ở nội trú mới thấy sự khắc khổ của vùng đất này. Nghề giáo không giàu có nhưng cũng có đồng lương, nhưng ở nơi hẻo lánh đó, có tiền cũng không biết mua gì. Bữa cơm của chúng tôi đi từ hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác. Nói đoạn, Doãn dừng đôi đũa khi đang định đưa cơm vào miệng, nghèn nghẹn: “Chỉ mong vợ chồng được gần nhau, cùng ngồi ăn cơm chung 1 mâm!”.
Đến Trường THCS Ngư Thủy Bắc bây giờ, chúng tôi khá bỡ ngỡ bởi mặt tiền của trường đẹp, sạch sẽ. Hỏi ra mới hay, từ khi thầy giáo Lê Văn Minh đến làm hiệu trưởng, thầy đã tìm đủ mọi cách đi xin vốn và các nguồn tài trợ để xây dựng, tu bổ nhà trường. Xin được tiền, thầy đứng ra huy động toàn thể giáo viên cùng xắn tay làm việc, cứ xong giờ dạy lại cùng nhau cải tạo trường. Từng bụi cỏ dại được nhổ vứt đi, từng động cát lớn được xúc mang ra khỏi khuôn viên... Xung quanh trường là những đồi cát khá cao lớn, trong khi trường chưa có kinh phí xây tường rào bao quanh nên hằng năm phải mất một khoản không nhỏ thuê xe múc cát chở đi đổ nơi khác. Cách đó không xa, nhà vệ sinh của trường bị cát lấp đến gần không đóng mở cửa được; rồi sân bóng chuyền nữa, cát đang mấp mé mép sân... Trong các tiêu chí chuẩn quốc gia thì trường đạt gần hết, chỉ còn không đạt về cơ sở vật chất. Hiện Trường THCS Ngư Thủy Bắc thiếu 4 phòng học và 4 phòng chức năng. Điều này khiến các giáo viên trăn trở không ít, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Vận động học sinh đến trường là nỗ lực và thành công không nhỏ, nhưng đến rồi không có cơ sở vật chất đầy đủ cho các em, không dạy được cái tốt nhất là một cái tội, một giáo viên cay đắng nói với tôi như thế...
Bình luận (0)