Có nguồn thực phẩm sạch hằng ngày, tiết kiệm được tiền đi chợ
Đến trụ sở quân sự P.15, Q.10, TP.HCM trong những ngày đầu tháng 5, chúng tôi không khỏi bất ngờ với đám rau cải, xà lách xanh mướt được trồng gọn gàng, ngăn nắp trong khay nhỏ và cả trăm con cá rô phi, diêu hồng đang vùng vẫy trong thùng nhựa kế bên. Để có được thành quả ấy, những anh chàng dân quân ở đây đã chịu khó chăm sóc, theo dõi từng ngày.
Cắt từng mớ rau cải ngọt, xà lách để chuẩn bị bữa cơm trưa cho mấy anh, em trong đơn vị, Lê Huỳnh Tiến (22 tuổi), dân quân thường trực P.15, Q.10, TP.HCM, bộc bạch: "Từ khi có vườn rau trên sân thượng, mấy anh em có được nguồn thực phẩm sạch hằng ngày, tiết kiệm được ít tiền đi chợ".
Tiến rất siêng năng, giỏi giang và đảm nhận chính phần chăm sóc vườn tại đơn vị. Ngoài công việc chuyên môn hay được thủ trưởng giao nhiệm vụ thì hằng ngày chàng trai 22 tuổi đều đặn sáng, trưa, chiều lên sân thượng kiểm tra hệ thống trồng rau, nuôi cá.
"Ở TP.HCM đất hẹp, người đông nên mình có không gian trồng rau, nuôi cá như thế thì mình cảm thấy rất vui. Thường mình hái rau cải ngọt để nấu canh, xà lách ăn sống với mấy món thịt, cá kho còn mướp thì xào lòng gà. Với mình, hoạt động này vừa là nhiệm vụ nhưng cũng vừa là kinh nghiệm quý báu cho bản thân", Tiến nói.
Vườn rau dinh dưỡng, nghĩa tình quân nhân
Nhìn những cây rau xanh tươi, đàn cá khỏe mạnh thì nhiều người cũng đoán được các anh chàng dân quân P.15, Q.10 đã chăm sóc tận tình như thế nào.
Anh Nguyễn Đương Hoài, Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy quân sự P.15, Q.10 (TP.HCM), cho hay vườn rau trên là mô hình "Vườn rau dinh dưỡng, nghĩa tình quân nhân", do anh em trong đơn vị xây dựng hồi đầu năm 2023.
Theo anh Hoài, trước đây anh từng có ý định xây dựng vườn rau theo kiểu trồng đất nhưng thấy khá tốn chi phí và nhân công nên đơn vị quyết định chọn trồng theo mô hình thủy canh.
Người viết quan sát tại khu vườn của anh Hoài thì nhận thấy tất cả từ ao cá, khay đựng rau, hệ thống tưới nước đều được anh liên kết lại với nhau. Bên trên vườn là hệ thống lưới xanh bao bọc xung quanh nhằm tránh côn trùng, mưa gió, nắng gắt gây hại.
"Mình chỉ cần bật công tắc thì hệ thống sẽ vận động theo một chu trình. Cụ thể, nước sẽ được hệ thống lấy từ ao nuôi cá (có chất nhờn, thức ăn cá chuyển hóa thành dinh dưỡng) rồi dẫn vào trong các khay nhựa trồng rau, sau 20 phút (nước đầy khay) hệ thống sẽ tự động "nhả" nước về ao cá sau khi qua hệ thống lọc nước gồm sỏi, san hô, đá nham thạch…", anh Hoài chia sẻ.
Anh Hoài chia sẻ thêm: "Ở khu vườn, mình không trồng từ cây, mà chỉ gieo hạt. Những giá thể là đất nung có hiệu quả cung cấp độ ẩm cho cây, bảo vệ môi trường, không làm dơ bẩn. Nhờ phương pháp tuần hoàn như thế, vườn rau của anh em luôn trong tình trạng xanh mướt, cá thì khỏe mạnh, vùng vẫy trong thùng".
Nói về những khó khăn khi thực hiện mô hình này, anh Hoài kể: "Thời gian đầu mình không biết xử lý nước, nên cá chết phân nửa. Cá mới thả nhỏ bằng vài ngón tay, nhưng sau vài tháng mình áp dụng phương pháp nuôi trên thì cá đã to hơn bàn tay mình rồi. Thú thật, đến giờ anh em trong đơn vị chưa dám ăn cá vì thấy chúng quá dễ thương, mỗi ngày nhìn ngắm thôi cũng đủ vui...".
Cũng theo anh Hoài, vườn rau này đủ để cho anh em tại đơn vị có rau mỗi ngày, không phải đi chợ. "Khu vườn không chỉ là hoạt động hữu ích giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng các loại thực phẩm xanh, sạch mà còn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực tham gia hoạt động tăng gia sản xuất. Hoạt động này còn góp phần xây dựng đơn vị chính quy, lành mạnh, cải thiện chất lượng bếp ăn, chăm lo đời sống quân nhân", anh Hoài nói.
Bình luận (0)