Trồng sen trên vùng ruộng trũng

13/08/2020 06:33 GMT+7

Hội Nông dân (HND) xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn (Bình Định) trồng sen trên vùng ruộng trũng.

Sau khi tham khảo lợi ích từ cây sen, năm 2018, Hội Nông dân (HND) xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn (Bình Định) đã tham mưu lãnh đạo xã xin đầu tư mô hình trồng sen trên vùng ruộng trũng Bàu Bái, thôn Thuận Đức và kêu gọi bà con nông dân tham gia.
Lúc ấy, cây sen còn khá mới lạ với địa phương nên chưa ai hưởng ứng, đến khi HND đứng ra thuê ruộng, mua giống sen đưa vào trồng và cho thu hoạch, thấy hiệu quả mang lại nên có 9 hộ tham gia. Đến nay, toàn bộ 6 ha diện tích lúa bị úng ngập ở Bàu Bái đã chuyển sang trồng sen.
Ông Quách Thế Lâm, Chủ tịch HND xã Nhơn Mỹ, chia sẻ đầu năm 2018 khi có chủ trương của xã, HND phối hợp UBND xã xây dựng kế hoạch trồng sen trên vùng ruộng Bàu Bái, dự kiến trồng 10.000 m2. Bước đầu, HND đứng ra đảm nhiệm thuê lại ruộng để trồng sen, được UBND xã hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống trồng trên diện tích 8.000 m2.
“Lúc đầu chưa am hiểu kỹ thuật nên cây sen chết nhiều, chúng tôi phải nghiên cứu học hỏi các đơn vị cung cấp giống và trên mạng xã hội, rồi nghe đài, đọc báo, nghiên cứu kỹ thuật trồng. Nhờ đó, khi xuống giống trồng lần 2 đã cho kết quả. Sau 3 tháng thu lợi nhuận 1 sào tính ra vượt trội cây lúa, từ đó nhân rộng và sơ kết mô hình mời hội viên HND đến tham quan. Bà con thấy được kết quả nên chuyển số diện tích ruộng ngập úng sang trồng sen, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”, ông Lâm nói.
Bà Phạm Thị Thanh Nguyệt (47 tuổi), một hộ tham gia mô hình trồng sen của HND xã, bộc bạch: “Lúc đầu tôi cũng ngại nên chỉ tham gia trồng 100 m2, sau 1 tháng trồng sen phát triển tốt cho bông, sau 3 tháng là thu hoạch đài, chi phí đầu tư rất ít. Hiện tại tôi mở rộng trồng thêm 2 sào sen nữa, mỗi ngày hái đài sen về lấy hạt bán cũng được 100.000 đồng và hái liên tục cho đến khi lũ xuống là hết thu; hết mùa lũ cây sen phát triển lại thu hoạch tiếp. Chứ trước đây cũng với diện tích này sản xuất 1 vụ chỉ thu được 200 kg lúa/sào mà phải chi phí đủ thứ xăng dầu bơm nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Còn giờ chỉ tốn mua giống trồng một lần mà có thu lâu dài”.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Quang (41 tuổi, ngụ thôn Tân Nghi) cho biết nhà có diện tích gần 2 sào ruộng bị ngập úng quanh năm, trung bình 1 năm sản xuất 2 vụ thu được 700 kg lúa, quy ra tiền trừ chi phí lợi nhuận không là bao. Sau khi tham quan thực tế mô hình trồng sen của HND xã, thấy phù hợp với điều kiện ruộng úng của mình nên ông xin chuyển giao kỹ thuật và mua cây giống về trồng vào đầu năm 2019. “Sau 3 tháng, sen cho thu hoạch hạt, tính một năm trừ chi phí còn lãi 6 - 7 triệu đồng/sào”, ông Quang nói.
Sau khi thành công với cây sen, ông Quang đã trực tiếp hướng dẫn bà con trong thôn trồng thêm 4 sào sen. Ngoài ra, ông Quang cũng trồng thử nghiệm sen trong chậu cảnh và đã thành công, xuất bán một chậu giá 120.000 đồng và đang hợp đồng cung ứng 4.000 cây sen giống cho Trung tâm nông nghiệp H.Tây Sơn, Bình Định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.