Trọng tài viên Tòa án quốc tế: Phản ứng của Việt Nam trong vụ kiện của Philippines rất chừng mực

24/07/2015 16:50 GMT+7

(TNO) Phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Thanh Niên Online ngày 24.7, giáo sư Erik Franckx, trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) nói: “Phản ứng của Việt Nam trong vụ kiện của Philippines rất chừng mực cho đến khi chúng ta biết chắc rằng tòa trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này".

(TNO) Phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Thanh Niên Online ngày 24.7, giáo sư Erik Franckx, trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) nói: “Phản ứng của Việt Nam trong vụ kiện của Philippines rất chừng mực cho đến khi chúng ta biết chắc rằng tòa trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này". 

Giáo sư Franckx hiện là Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB), Trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan - Ảnh: Thanh Hải

  

"Tôi cho rằng có lý do chính trị hợp lý để Việt Nam đứng quan sát từ phía sau”, giáo sư Franckx cho biết khi được một độc giả hỏi về ý kiến của ông trước những phản ứng của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

“Nhưng nếu tòa trọng tài khẳng định có thẩm quyền và giải quyết theo hướng có lợi cho Philippines, tôi cho rằng Việt Nam nên cân nhắc tiếp cận biện pháp pháp lý này, vì Việt Nam cũng đang muốn khẳng định chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông. Lúc đó nếu Việt Nam tiếp tục giữ im lặng thì sẽ gây tổn hại cho quyền lợi của mình”, ông Franckx cho hay.

Vị giáo sư người Bỉ này còn nói thêm rằng do đến từ một quốc gia nhỏ bé, nên ông nhận thức được rằng luật phát quốc tế là “công cụ để bảo vệ cho bên yếu tốt hơn”.

“Chính vì vậy việc tòa trọng tài về luật biển trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đưa ra quyết định mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ có vai trò rất lớn và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế”, giáo sư nói.

“Kể cả khi cơ quan tài phán không giải quyết được vấn đề chủ quyền trong vụ kiện này, họ cũng sẽ đưa ra được hướng giải quyết và khung pháp lý để giải quyết các tranh chấp tương tự. Khung pháp lý hiện nay có những điểm chưa rõ ràng, nên các bên vẫn tiếp tục đôi co và nói theo cách có lợi cho mình. Nếu mọi thứ tiếp tục như hiện nay, luật sẽ chỉ phục vụ kẻ mạnh”, theo ông Franckx.

Với góc nhìn của một trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye, giáo sư Franckx đã chê trách Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

“Thực tiễn pháp luật quốc tế cho thấy rõ ràng các quốc gia phải ngồi lại với nhau, đưa ra một thỏa thuận để tránh làm gia tăng căng thẳng trong những vấn đề tranh chấp. Trung Quốc có vẻ không thực sự làm tốt điều này”, ông nói.

“Tôi vừa đọc một bài báo sáng nay và thấy Nhật Bản đang khiếu nại việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu tại vùng biển hai nước đã có thỏa thuận không thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khai thác trên đó. Điều này tương tự trường hợp Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông năm ngoái. Nếu Trung Quốc nói rằng UNCLOS là một luật quốc tế mà họ tôn trọng, đây chính là điều họ cần tôn trọng”, theo giáo sư Franckx.

Nhận xét về tố cáo của Philippines cho rằng hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông phá hủy các rạn san hô, trọng tài viên của Tòa Trọng tài thường trực La Haye cho rằng đã có hội thảo chứng minh điều này.

“Vừa qua ở Brussels chúng tôi có tổ chức một hội thảo về vấn đề xây dựng đảo nhân tạo trên biển, có một nhà khoa học Mỹ đã chứng minh rằng việc xây dựng này gây thiệt hại nghiêm trọng đối với rạn san hô”, giáo sư Franckx cho biết.

“Tất nhiên ở đây, vấn đề quan trọng là phải chứng minh hành vi vi phạm về quy định đối với bảo vệ môi trường. Tòa công lý quốc tế (ICJ) hiện nay chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy vấn đề vi phạm quy định về môi trường trên sẽ là điểm bổ sung trong các cuộc tranh luận trước tòa (nếu có). Tuy nhiên vào thời điểm này đó không phải vấn đề pháp lý chính”, ông nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.