Trong vòng xoáy titan: 'Vàng đen', máu đỏ

17/01/2015 11:40 GMT+7

Đại hội thường niên của Hiệp hội titan VN vào tháng 8.2013 nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để ngành khai thác titan đang là một con vịt xấu xí trong mắt người dân và dư luận thành một con thiên nga”. Ở đâu không biết, nhưng ở Quảng Trị việc 'tiến hóa' này xem ra còn lâu...

Đại hội thường niên của Hiệp hội titan VN vào tháng 8.2013 nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để ngành khai thác titan đang là một con vịt xấu xí trong mắt người dân và dư luận thành một con thiên nga”. Ở đâu không biết, nhưng ở Quảng Trị việc “tiến hóa” này xem ra còn lâu...

Hàng trăm người dân xã Gio Mỹ (H.Gio Linh, Quảng Trị) tập trung phản đối dự án titan vào ngày 24.11.2014
Hàng trăm người dân xã Gio Mỹ (H.Gio Linh, Quảng Trị) tập trung phản đối dự án titan vào ngày 24.11.2014 - Ảnh: Quang Hà
Đụng đâu sai đó
Những DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác titan hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã rơi rụng nhiều, giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng tiếc rằng, khi các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của các DN thì kết quả luôn... đụng đâu, sai đó. Đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ môi trường, một trong những yếu tố tiên quyết để DN khai thác titan có thể chung sống “yên ổn” với người dân và chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Sở TN-MT Quảng Trị, qua thanh tra công tác bảo vệ môi trường của các DN khai thác titan trên địa bàn phát hiện rất nhiều sai phạm. Tại Công ty khoáng sản Quảng Trị, đoàn thanh tra ghi nhận đối với dự án khai thác và chế biến titan sa khoáng tại xã Vĩnh Tú và Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh) đơn vị này đã chưa hoàn thiện đề án cải tạo, phục hồi môi trường; chưa thực hiện thủ tục hoàn thành các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường để bàn giao đất cho địa phương quản lý. Thậm chí, công ty này còn chưa xây dựng kho chứa chất thải nguy hại chung cho toàn bộ các đơn vị trực thuộc.
Tại Công ty TNHH Thống Nhất, kết quả thanh tra ghi nhận công ty cũng chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với công trình khai thác titan tại mỏ xã Trung Giang (H.Gio Linh); chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại. Đặc biệt, kho chứa chất thải nguy hại bị hư hỏng, không đạt yêu cầu theo quy định.
Công ty CP khoáng sản Hiếu Giang cũng không khá hơn với những sai phạm tương tự tại các mỏ khai thác titan của mình. Dư luận cũng cho rằng, kết quả nêu trên đã phản ánh đúng thực tế khi các DN chỉ chăm chăm làm thế nào để khai thác thật nhanh, thật nhiều titan thô mà để ngõ vấn đề môi trường, dù người dân đã không ít lần ca thán.
“Chúng tôi chỉ là dân đen không thể có chứng cứ khoa học để thuyết phục cơ quan chức năng nhưng chúng tôi tin rằng với cách làm việc như thế này thì làm sao môi trường không tan hoang, làm sao không ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi...”, ông Nguyễn Hữu Tú, một người dân ở xã Vĩnh Thái nói.
Người dân nổi giận
Nói sòng phẳng thì từ trước đến nay, chưa một dự án khai thác titan nào ở địa bàn tỉnh Quảng Trị được sự đồng thuận hoàn toàn từ phía người dân địa phương. Người dân đã phản ứng với các DN thậm chí chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh phần lớn cũng vì lo cho mảnh đất hương hỏa của quê hương. Có nhiều khi nhiều lúc, phản ứng của người dân đã đến mức cực đoan...
Còn nhớ vào cuối năm 2008, hàng trăm hộ dân thôn Cang Gián (xã Trung Giang, H.Gio Linh) vì cho rằng Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh họat của họ. Sự việc càng nghiêm trọng khi cũng trong thời gian này một em học sinh đã tử vong khi rơi xuống hố cát, cạnh khu vực khai thác titan. Hay vào tháng 3.2011, để phản ứng một dự án khai thác titan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người dân thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, H.Hải Lăng) đã tập trung khiếu nại...
Gần nhất (24.11.2014), khoảng 200 người dân xã Gio Mỹ (H.Gio Linh) đã tập trung phản đối việc cắm mốc bàn giao đất cho DN khai thác titan. Họ cho rằng dự án khai thác titan khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây mất mùa, tác động xấu đến đời sống nhân dân.
Để ổn định tình hình, đích thân ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Gio Linh đã gặp gỡ, cam kết hỗ trợ người dân nếu có ảnh hưởng về môi trường và kêu gọi sự đồng thuận để dự án được triển khai. Và để “giữ đất cho dân” sản xuất, sau nhiều lần bàn bạc, Công ty CP khoáng sản Hiếu Giang (DN khai thác titan tại Gio Mỹ) “xuống nước” chỉ nhận 18ha thay vì gần 43ha như phê duyệt. Doanh nghiệp này cũng cam kết chỉ nhận phần đất trống trải, không có cây cối, hoa màu và nhà cửa kiến trúc...
Nỗi lòng người vùng cát
Như một nghịch lý, những vùng đất giàu titan ở Quảng Trị thì cũng đồng nghĩa người dân ở đó thuộc hàng nghèo nhất tỉnh này. Thường đó là vùng biển bãi ngang hoặc là những trảng cát, người dân không thể có kế sinh nhai nào ngoài đi biển (nhưng cũng chỉ đi ven bờ) và trồng dưa, trồng khoai...
Người dân thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) xót xa trước sự “đổi thay” của những trảng cát quê hương
Người dân thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) xót xa trước sự “đổi thay” của những trảng cát quê hương - Ảnh: N.P
Thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh) là một ví dụ. Thôn có cả thảy 132 hộ, 494 khẩu. Mang tiếng là miền biển nhưng cả thôn cũng chỉ có 62 chiếc thuyền công suất bé tẹo (12-16 CV). Số nhà xây kiên cố trong thôn chỉ đạt 20%. Cho đến năm 2007, “lốc” titan mới quét tới thôn này với sự xuất hiện của một xí nghiệp thuộc Công ty khoáng sản Quảng Trị với 9 giàn máy khổng lồ và cả trăm công nhân... ở sau lưng làng. Diện tích khai thác tại đây lên đến hơn 100ha.
Ông N.V.P, dù đang làm công nhân của xí nghiệp trên nhưng vẫn nói rằng, nếu thu nhập từ biển chỉ cần hơn 3 triệu đồng/tháng thì không đời nào ông chịu bán rẻ “trảng cát” quê hương. Còn ông N.V.T (cũng là công nhân xí nghiệp khai thác titan) nói đế vào: “Cái khó bó cái khôn, vì cực quá nên chúng tôi phải làm. Trong khi ai cũng thấy, sau mấy năm khai thác titan, cây cối trên trảng cát rụi hết, gió lùa cát bay vào làng mù mịt...”.
Toàn xã bãi ngang Vĩnh Thái có 8 thôn, hầu như thôn nào cũng từng bị các giàn khoan titan ghé thăm. Những người dân xã này kể rằng, từ sau năm 1995, khi các doanh nghiệp khai thác titan đến, họ cũng đã phản ứng dữ dội vì lường trước sẽ đào phá không ít rừng cây phòng hộ, đê chắn sóng, chắn gió ven biển... Nhưng về sau, nhiều người bỗng chấp nhận “góp công” đào phá làng mình để đổi lấy thu nhập.
“Chúng tôi ít có sự lựa chọn. Quê hương thì còn nghèo, bà con thì ngắn nghĩ, thấy lợi thì làm. Nhưng nếu có được sinh kế bền vững, chẳng còn ai mặn mà với titan nữa đâu”, một người dân Vĩnh Thái lý giải.
Sống chung với hoạt động khai thác titan, người dân làng biển như Vĩnh Thái lại... xa biển dần. Họ không còn ngày ngày dong thuyền ra khơi bủa lưới, kiếm cá tôm. Nhưng khổ nỗi, việc khai thác titan cũng chỉ làm theo niên hạn, thời vụ và khi dự án kết thúc những người dân này sẽ phải làm gì sau nhiều năm bỏ biển, chân tay đã quen với máy móc chứ không còn quen với mái chèo, mành lưới?
Vậy nên “cơn lốc vàng đen” vốn đã nhiều năm làm những trảng cát thêm xơ xác, hoang tàn lại cũng làm cho người dân địa phương loay hoay đi tìm câu trả lời cho kế sinh nhai cho chính bản thân mình trong tương lai...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.