Xuôi gần 200 km về miệt Châu Đốc (An Giang) cũng gần giữa trưa, cái nắng gắt mùa hạn khiến tôi đôi chút choáng váng. Nghỉ ngơi tầm hai tiếng đồng hồ, tôi quyết định qua phà Châu Giang, cách trung tâm thành phố Châu Đốc tầm 3 km.
Theo phong tục của người đạo Hồi Islam, phụ nữ không được đến thánh đường mà chỉ cầu nguyện ở nhà |
TGCC |
Chưa dứt mấy lượt ngó nghiêng bờ này bãi nọ, phà đã cập bến. Tôi như bước vào một thế giới khác, khi đàn ông mặc váy, đầu đội nón trắng, phụ nữ quấn khăn kín đầu, áo, váy dài đến gót chân. Những chiếc nhà sàn nho nhỏ, cất cao trên gò đất đã là kiến trúc khá quen thuộc của vùng “chín rồng” vốn nhiều sông nước, nhưng đâu đó vẫn có nét trang trí rất riêng của đồng bào Chăm nơi đây.
Lái xe và đi theo cảm tính, tôi chợt thấy bên tay trái biển chỉ Làng Chăm Châu Giang. Khác với tưởng tượng của tôi về một địa điểm nổi tiếng trên bản đồ du lịch của An Giang, hiện ra trước mắt là một ngôi làng vắng lặng, chỉ có tiếng con nít chơi ở trước một ngôi đình cập mé sông, tiếng những người phụ nữ Chăm nói chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc họ, những người già với chiếc bóng thấp thoáng sau khung cửa sổ. Không ồn ào, không xe cộ đông đúc, chỉ cách một dòng sông nhưng khác với Châu Đốc nhộn nhịp, vùng đất này “hiền” đến lạ.
Chạy ngang một thánh đường Hồi giáo, tôi chậm lại và quyết định vào ăn một tô bún cá - món đặc sản đâu đâu cũng thấy và nhất định phải thử khi đến An Giang. Quán không có biển hiệu, chỉ có mấy cái bàn nhựa đặt tạm dưới gốc cây trứng cá cạnh thánh đường và người bán là đôi vợ chồng người Chăm. Cô có làn da ngăm đen và đôi mắt to, tóc đã được giấu nhẹm trong chiếc khăn đội đầu tối màu, gương mặt cười tươi nhưng có phần e dè với hai người khách lạ đến làng này. Đó là tô bún cá đầu tiên tôi ăn trong đời, với miếng cá vàng nghệ, nước dùng đậm đà, chỉ có 15.000 đồng nhưng ngon đến lạ, hơn nhiều món đắt tiền tôi từng được thử. Trong lúc ăn, tôi tranh thủ bắt chuyện, cô kể từ ngày có dịch thì khách du lịch ít lắm, trước thường có khách Campuchia, Nga sang đây.
Tôi tiếp tục đi sâu vào làng bằng thứ cảm tính mãnh liệt. Từ xa mùi thơm của trứng, của bột hòa với mùi nắng vàng hanh hao mùa hạ làm tôi không thể không dừng chân lại một quán nhỏ bên đường. Người phụ nữ quấn khăn, đội nón lá kín mặt không rõ bao nhiêu tuổi, ngồi bên bếp lửa với khuôn bánh đen nhẻm vì khói nhưng cũng không thể át đi mùi hương thơm lừng của những chiếc bánh con con. Không biết vì e dè người lạ hay từ trong nếp sống, mà phụ nữ Chăm vẫn luôn nhẹ nhàng, từ tốn đến lạ. Cô khéo léo đổ cho chúng tôi mẻ bánh bông lan mới, nóng hổi, giòn giòn bên ngoài, thơm mềm bên trong. Người phụ nữ nhìn về xa xa, tận tình chỉ đôi người khách lạ một tiệm bán đồ thổ cẩm dường như là duy nhất trong làng.
Hoàng hôn buông, nhìn từ xa thánh đường như những ngôi đền cổ Ba Tư... |
TGCC |
Cửa hàng vắng lặng, đèn tắt, khung dệt vắng hơi người. Sau khi gọi vài tiếng thì bà chủ mới xuất hiện vội bật đèn và giới thiệu cửa hàng cho tôi bằng giọng chân tình. Người phụ nữ đã ngoài năm mươi tuổi, qua tấm khăn che kín đầu, tôi chỉ còn thấy những vết nhăn trên trán, nơi khóe mắt trên làn da ngăm. Bà ngồi vào khung dệt, đôi tay tỉ mẩn giữa vô vàn sợi chỉ cũng không quên tận tình hướng dẫn tôi cách dệt vải truyền thống của người Chăm. Hỏi ra mới biết nơi này đã lưu giữ được hàng trăm năm truyền thống dệt vải. Tình hình dịch chỉ vừa ổn định thế nên du khách cũng chưa quay lại. Tôi được bà quấn khăn che đầu, thử cảm giác mặc đồ, chụp ảnh cưới theo phong cách người Chăm.
Trời vừa buông nắng, tôi vội chạy đến Thánh đường Mubarak để kịp lúc 18 giờ - lần cầu nguyện trong ngày của người dân theo đạo Hồi Islam. Lúc này, tôi thật sự không biết ở đây có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường. Và nơi dân du lịch thường rỉ tai nhau đến check-in là Masjid Jamiul Azhar thay vì Mubarak - thánh đường được công nhận là di sản quốc gia. Tôi tấp vào đối diện để gửi xe, cô chủ nhà chuyên giữ xe cho mấy đứa học sinh gần đó, giờ này chẳng còn ai. Cửa đã khép hờ nhưng người phụ nữ trung niên vẫn niềm nở bảo tôi dẫn xe vào nhà.
Tôi e dè bước vào thánh đường, những người đàn ông và các bé trai đạo Hồi quấn váy, đầu đội mũ lần lượt đi từ những ngôi nhà sàn gần đó, dần dần ngồi kín hai hàng ghế đá chờ đến giờ cầu nguyện. Hoàng hôn buông, nhìn từ xa thánh đường như những ngôi đền cổ Ba Tư, với mái vòng cung, những toàn tháp nhỏ trên đỉnh, gạch lót hoa văn xanh trắng hệt như những gì tôi đã thấy trong những bộ phim hoạt hình về xứ nghìn lẻ một đêm, của những câu chuyện cổ. Và tôi, đứa con gái duy nhất trong không gian vừa huyền ảo, vừa trang nghiêm ấy có phần e dè, dù đã vận váy dài đến gót, khăn trùm kín người. Bởi lẽ theo phong tục của người đạo Hồi Islam, phụ nữ không được đến thánh đường mà chỉ cầu nguyện ở nhà. Vội giơ máy ảnh chụp lại kiến trúc thánh đường, tôi say mê đến lúc ở đây lên đèn, lấp lánh kì lạ dưới ánh trăng đêm rằm. Một người đàn ông đứng tuổi, nước da ngăm, gương mặt phúc hậu bảo tôi vào trong chụp hình đi, đẹp lắm, chỉ cần để dép bên ngoài. Lòng vui như mở hội, tôi bước vào trong và vứt bỏ nỗi sợ ban đầu.
Đến khi tiếng người đàn ông vang lên như một khúc hát ngân vang báo đến giờ cầu nguyện, tôi vội chạy ra ngoài bởi nỗi sợ chạm đến nơi tôn nghiêm nhất của một tôn giáo. Và may thay, giữa không gian giữa hàng mấy chục người đàn ông xa lạ, ít nhiều những ánh mắt tò mò hướng về, thì người đàn ông Chăm lớn tuổi vừa rồi lại bước đến, bảo tôi vào trong đi, chuẩn bị cầu nguyện rồi và nhớ hãy chụp hết mọi người nhé.
Tạm biệt thánh đường lúc trời đã sụp tối, những lời cầu nguyện hãy còn vang vọng xa xa. Cô giữ xe ra nhìn ánh trăng treo trên đầu, hỏi tôi có nghe thấy tiếng ve sầu ngoài kia kêu không. Cô bảo ở đây buồn lắm, nhất là những đêm mưa, tiếng ếch nhái kêu rả rít, tụi nhỏ giờ lên Sài Gòn hết. Cô có hai đứa con cũng làm trên đó, năm về có đôi lần vậy mà sao hai đứa này lại mò xuống đây làm gì.
Cô đâu biết rằng tôi cũng rặc là đứa con miền Tây, cứ mỗi đêm rằm lại thèm ngắm một ánh trăng tròn vằng vặc, vẹn nguyên thứ ánh sáng giữa trời, không trộn lẫn không nhạt nhòa giữa “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”, của những tòa nhà cao chọc trời át cả trăng sao. Giữa những tiếng xe cộ ồn ã, cũng thèm lắm một tiếng ếch nhái, một tiếng gà gáy sớm mai. Thèm những ánh mắt thân tình, những tiếng nói cười hào sảng của “bà con” miền Tây mến khách.
Qua phà Châu Giang trở về Châu Đốc, “xứ sở nghìn lẻ một đêm” với những cô gái cùng chiếc khăn mat’ra che trọn mái tóc dần khuất về phía bên kia sông. Tôi chợt nuối tiếc vì đã không kịp hỏi tên những con người tôi vừa gặp - trót mến là gì để còn kể cho bạn bè tứ xứ nghe. Nhưng có lẽ qua bao năm khai thôn, lập ấp, tiếp biến văn hóa lẫn nhau, dù có theo tôn giáo hay nếp sống nào thì cứ nhắc đến họ bằng một danh xưng chung nhất là “người miền Tây” thì đã đủ toát lên sự cởi mở và nhiệt thành, lòng rộng và dạt dào như sông rồi.
Bình luận (0)