Một cái tin nhắn dài gửi qua Zalo vào lúc đêm đã khuya. Tôi đọc tin nhắn với một cảm xúc hơi khó tả. Đây là tin nhắn của một cô gái trẻ, là công nhân sống trọ ở đường Mã Lò (Q.Bình Tân, TP.HCM), nơi mà nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn của chúng tôi đã tới giúp nhiều lần trong những ngày Sài Gòn bùng dịch. Không chỉ giúp thực phẩm, mà còn chuyển khoản tiền.
Sở dĩ tôi nhớ cô gái này, vì lần đầu tiên nhận hỗ trợ 500.000 đồng, cháu đã đem chia cho hai người bạn cùng phòng, cùng cảnh ngộ. Sau đó, tôi có chuyển giúp cho cháu thêm một vài lần nữa, cũng chả đáng là bao, chỉ là một chút tấm lòng giữa những ngày dịch giã hoang mang.
Nhà văn Trần Nhã Thụy (trái), thay mặt nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trao biểu trưng số tiền cho nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên |
Đào Ngọc Thạch |
Có lẽ, do đã vài lần nhận được sự giúp đỡ, nên cháu ngại không dám xin thêm, mà hỏi mượn. Nhưng mượn chi mà có 30k (30.000 đồng)? Tôi đâm thắc mắc, bèn bấm gọi lại cho cháu. Thì ra cháu vừa hết hạn phòng trọ, nếu ở tiếp thì phải đóng tiền, mà việc làm chưa có, tiền ăn còn lo không xong, lấy đâu tiền thuê phòng? Cháu sẽ dọn đồ qua ở ké với mấy người chị ở khu Vĩnh Lộc A, cho đỡ khoản tiền phòng.
“Nhưng mai chở đồ qua đó, mà giờ cháu coi lại xe không còn giọt xăng nào, cháu cũng hết sạch tiền, chú cho con mượn đỡ 30.000 đồng để sáng mai con đổ xăng, rồi mai mốt đi làm có tiền con gửi lại chú”, giọng cô gái nhỏ vừa như ngượng ngùng vừa như mếu máo trong điện thoại. Thật là một tình cảnh bất ngờ mà xót xa. Tôi chuyển cho cháu vài trăm ngàn, dặn cháu đừng nghĩ ngợi chuyện nợ nần chi vì nó không đáng là bao và chúc cháu mạnh khỏe, sớm có việc làm ổn định.
Câu chuyện này diễn ra vào khoảng cuối tháng 10.2021, lúc chương trình Trụ lại Sài Gòn của chúng tôi đã tạm ngừng hoạt động. Lúc này, vẫn còn nhiều cuộc gọi và tin nhắn nhờ hỗ trợ, nhưng tôi phải tìm cách từ chối, hoặc có giúp chút đỉnh là với tư cách cá nhân mình. Cho nên chương trình Trụ lại Sài Gòn sau hơn 2 tháng đã tạm hoàn thành sứ mệnh của nó, thì cái “hậu Trụ lại Sài Gòn” vẫn tiếp tục.
Nhà văn Trần Nhã Thụy (phải) tặng toàn bộ tiền thưởng anh đoạt giải trong cuộc thi Vượt qua Covid-19 do Báo Thanh Niên tổ chức cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời |
ĐỘC LẬP |
Lúc này, những cặp vợ chồng trẻ đèo nhau về quê bằng xe gắn máy, sau thời gian cách ly tập trung cũng đã về nhà mình. Nhiều bạn chụp hình gửi qua Zalo “báo cáo” cho tôi biết, rồi cứ vài ngày lại nhắn kể một chuyện ở quê. Có nghe các bạn kể mới hiểu, hầu hết các bạn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng ở tuổi 15 - 16 đã bỏ học rời quê lên Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Người làm ở công ty, người làm lao động tự do, nhiều nhất là nghề “thợ đụng”, tức đụng đâu làm đó. Khi dịch tới, cứ nghĩ chỉ thất nghiệp nằm phòng trọ chừng một tháng rồi đi làm lại, đâu có ai ngờ nó kéo dài liền mấy tháng, thành ra xất bất xang bang. Biết về quê là quay lại đường khổ, nhưng giờ đâu còn đường nào? Dù sao ở quê cũng còn cọng rau con cá, còn mảnh sân khoảng trời để có thể hít căng lồng ngực. Về quê rồi phải lặn lội đi mần, mà như cái anh nông dân nửa mùa chưa bắt nhịp được cái khí hậu làng quê. Chắc là mai mốt cũng lội ngược lên Sài Gòn. Nhưng mai mốt là khi nào chưa biết. Thôi thì sống ở quê rồi tính tiếp.
Nhìn cảnh ở quê tôi lại thấy bình an. Trong bữa cơm chiều của các bạn, tôi thấy mình như có mặt ở đó, cùng gắp cọng rau luộc chấm mắm kho quẹt tóp mỡ, ăn cơm gạo lúa cũ với cá bống kho tiêu ngon sao là ngon.
Nhưng thiệt tình mà nói, những người được nhóm Trụ lại Sài Gòn giúp đỡ về quê không nhiều, họ vẫn tiếp tục trụ lại Sài Gòn tìm kiếm một cơ hội mới. Như những cư dân gốc quê Quảng Ngãi ở “ngã ba cháo lòng” (P.14, Q.8), dù là “vùng đỏ” trong đại dịch, khó khăn khủng khiếp nhưng bà con vẫn bền bỉ lao động, không tính đường lùi. Những gia đình sống bằng nghề may gia công ở Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) sau đại dịch lại tiếp tục một đợt tái phát F0 nghiêm trọng, ngày nào cũng nhắn tin cho tôi cập nhật tình hình, nhưng vẫn tiếp tục “trụ lại Sài Gòn”.
Tôi nghiệm ra rằng, nhiều người bỏ về quê là do họ hoang mang và mất niềm tin. Lúc đó, nếu như có một cánh tay nào đưa ra, hay thậm chí chỉ cần một lời an ủi, một lời hứa là họ sẽ ở lại. Cho nên khi Báo Thanh Niên khởi động chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, chung tay cùng xã hội cưu mang những trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, tôi thật sự xúc động. Cao hơn xúc động là niềm tin. Bởi trong những ngày dịch giã hoành hành như bão quét, chính tôi đã cùng với các phóng viên Báo Thanh Niên đi vào những tâm dịch, chia sẻ những suất lương thực cho bà con nghèo. Cùng con đi tiếp cuộc đời là một bước tiếp theo, một chiếc cầu lớn dựng lên và nối dài hành trình nhân ái đó.
Thật vui và cảm động, bạn bè tôi từ khắp nơi đã dõi về Sài Gòn. Từ Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã gọi điện, nhắn tin cho tôi rất nhiều lần, ông muốn nhờ tôi thông qua Báo Thanh Niên, giúp gia đình ông làm một việc mà ông nghĩ rất nên làm. Đó là đỡ đầu và nuôi dưỡng vài cháu mồ côi. Rồi khi tập truyện thiếu nhi Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (NXB Trẻ) nhận được giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại trao ngay cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên.
Nhà văn Trần Nhã Thụy (đội nón) trao quà tặng trong chương trình Trụ lại Sài Gòn giúp người khó khăn ở H.Củ Chi (TP.HCM) trong đợt dịch lần thứ 4 |
N.T |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có hai người con, cả hai đều du học ở Mỹ, nhưng anh con trai cả sau khi học xong thì về nước làm việc, lập gia đình; còn cô con gái ở lại Mỹ làm việc, lấy chồng sinh con. Cô con gái lập gia đình trước anh con trai. Kya là cháu ngoại còn Mem là cháu nội. Kya sinh ra trước nhưng sao phải gọi Mem là anh? Tại sao Mem kêu ông nội còn Kya gọi ông ngoại?… Nguyễn Quang Thiều viết cuốn truyện này như món quà tặng cho các con và cháu của mình. Nay ông muốn chia sẻ món quà của sự may mắn đó cho các cháu nhỏ mồ côi vì đại dịch Covid-19. Đó là tấm lòng giản dị của một nhà thơ.
Càng ngày tôi càng ngẫm rằng, chúng ta sống là để kể lại chứ không phải để mang đi. Chúng ta sẽ rời trần gian này mà không mang theo được gì cho dù đầy tham vọng.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là người khởi xướng và thực hiện chương trình Trụ lại Sài Gòn. Nhưng trong tình cảnh ấy, tôi đã hành động, như một thúc giục không cưỡng được. Tôi là một nhà văn, một người mưu sinh bằng nghề viết. Không có nhiều tiền bạc, mà chỉ có trái tim đầy cảm xúc. Lúc đó, nhìn cảnh khốn cùng và mất mát của người Sài Gòn, tôi đã nguyện rằng, nếu như làm được gì tôi sẽ làm hết sức mình. Cho nên, trong những tháng ngày qua, khi may mắn nhận được những khoản tiền từ các cuộc thi viết, tôi đều góp hết cho thiện nguyện, cho bà con “trụ lại Sài Gòn”. Tôi đã làm những việc ấy một cách chân thành và cảm thấy nhẹ lòng bớt phần nào.
Trụ lại Sài Gòn hay giữ lại tình người. Tôi xin khắc ghi mãi những thời khắc ấy.
Bình luận (0)