Truân chuyên đời nữ phụ hồ ở Sài Gòn

04/12/2016 09:33 GMT+7

Những tưởng phụ hồ là công việc của nam giới, nhưng vì mưu sinh, trên những công trình xây dựng, ngày ngày vẫn có các bóng hồng chấp nhận xa quê, xa con, vật lộn cùng xi măng, gạch, đá...

Những lán trại liêu xiêu, tạm bợ dựng quanh các tòa nhà cao tầng đang xây dở trên đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè, TP.HCM) thấp thoáng giữa những người đàn ông làm nghề xây dựng, là bóng dáng của những phụ nữ đang tất bật đẩy cát, khuân gạch. Vì miếng cơm, manh áo, họ bươn chải mưu sinh ở những công trình xây dựng, vốn không dành cho phụ nữ chân yếu, tay mềm.
Họ không phải là thợ chính, nhưng nếu không có họ, công đoạn xây dựng của những tay hồ điêu luyện sẽ mất nhiều thời gian - họ là những nữ phụ hồ.

tin liên quan

Người mẹ vào viện thăm con rồi đi mãi chỉ vì cánh cửa xe buýt
Một người vợ, người mẹ không may bị chết trên đường thăm con từ bệnh viện về khi bước xuống xe thì cánh cửa tự động đóng lại. Một chân chị bị vướng vào, đầu đập mạnh xuống vỉa hè, thân người treo lơ lững cạnh thành xe, kéo lê một đoạn dài.
“Làm riết rồi quen”
Đến từ Trà Vinh, chị Kim Thị Sa Pa (30 tuổi) đã theo nghề chục năm. Vợ chồng nên duyên vài tháng lại khăn gói lên TP.HCM để tìm việc. Không bằng cấp, chân quê, phụ hồ là việc mà cả vợ lẫn chồng đều làm được. Vừa phụ hồ, vừa là người nấu ăn cho cả công trình, chị Sa Pa không khi nào rảnh tay nhưng tiếp chuyện khá vui vẻ: “Ở quê làm ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà có dư dả đâu. Con thì càng lớn, rồi tiền ăn học. Phụ hồ, mặc dù nặng nhọc nhưng làm riết là quen, thấy cũng bình thường”.
Chị Nguyễn Thị La (40 tuổi, ở Bến Tre) kéo chiếc khẩu trang xuống, tiếp lời: "Phụ nữ theo nghề này, ban đầu oải lắm, ai không dẻo sức thì đầu hàng sớm". Lý do các chị chọn nghề này vì đơn giản là làm theo thời vụ. Nếu mệt và nhớ con thì có thể nghỉ về, hôm sau lại tiếp tục, không có sự ràng buộc.
Truân chuyên Nữ phụ hồ 1
Một lán trại, liêu xiêu ngổn ngang đồ đạc
Vòng qua những công trình đang xây dựng ở đường số 3, P.Tân Quy (Q.7), da nhuộm màu nắng, đôi bàn tay thô ráp, chai sần nhưng vẫn chuyển thoăn thoắt, dứt khoát những viên gạch cho người thợ xây trên giàn, chị Nguyễn Thị Liên (40 tuổi, quê An Giang) cũng không ngờ mình thạo nghề nhanh như vậy.
Những ngày đầu lên Sài Gòn, giữ trẻ, giúp việc nhưng có lẽ công việc nhẹ nhàng không hợp với người đàn bà mạnh bạo này. Nếu không trực tiếp chứng kiến thì khó có thể tin sự thành thạo cũng như đầy vất vả trong công việc phụ hồ của chị Pa, chị La, chị Liên.

Đi giúp việc thì giữ ý, giữ tứ, luôn khép nép. Còn làm phụ hồ dù dãi nắng nhưng vẫn thoải mái, có sức làm thì vô tư, mệt thì xin nghỉ. Bởi thế, nghề phụ hồ khổ cực nhưng giờ như cái nghiệp gắn với tôi rồi

Chị Nguyễn Thị Liên
(40 tuổi, An Giang)

Mặc dù dáng người nhỏ bé, nhưng đôi tay, đôi chân các chị thoăn thoắt, không ngừng nghỉ. Không chỉ rành rọt trong việc kéo ròng rọc, sàng cát, trộn hồ, xúc đất vào xe rùa để dọn mặt bằng, mà cách kết hợp công việc của các chị chẳng thua các nam phụ hồ khác.
Từ cách chất gạch lên những chiếc xe rùa, đến việc xúc xẻng cát lia lên sàng lưới hay khi họ chuyền cho nhau những viên gạch từ trên xe xuống... đều thực hiện rất thành thục. Ngày làm 8 tiếng, công phụ hồ của nam giới phổ biến thường là 250.000 đồng/ngày, còn chị em phụ nữ là 230.000 đồng/ngày.
Trang phục của các chị không khác nam giới mấy, những chiếc quần tây, quần jeans cũ kỹ được họ tận dụng tối đa. Khoác lên người mấy lớp áo, chọn cái dày nhất mặc ở ngoài; chân đi giày ba ta hoặc ủng nhựa; đầu đội nón lá, mũ tai bèo đã phai màu.
Thêm cái khẩu trang vải che nắng, che bụi. Đồ bảo hộ lao động của họ chỉ có thế. Trên quần áo, đầu tóc, mặt mũi họ lúc nào cũng phủ đầy bụi xi măng, bụi hồ, bụi đất... Nhìn những khuôn mặt sạm đen vì nắng, gió; những đôi tay chai sần, bong da vì xi măng; những cái đấm lưng thùm thụp... người ta mới phần nào thấu hiểu được vất vả của phụ nữ làm nghề phụ hồ.
Chồng đâu, vợ đó
Hầu hết phụ nữ đến với nghề phụ hồ đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là đến từ những vùng quê nghèo, không có việc, đời sống khó khăn. Họ chấp nhận xa nhà, gửi con cái cho nội ngoại, lên thành phố mưu sinh, mặc dù là thời vụ nhưng đủ nuôi sống gia đình, con cái ăn học. Giữa nhọc nhằn như thế, có thể gặp được những người vợ nối gót đồng hành cùng chồng trên những công trình.
Sống tạm bợ ngay trong căn nhà đang xây dựng trên đường Hồ Xuân Hương (Q.3) là vợ chồng chị Tô Hồng Tím (38 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thanh (41 tuổi, quê Cà Mau). Khi tôi đến công trình cũng là giờ cơm chiều. Dù những giọt mồ hôi còn vương trên tấm áo, nhưng không thiếu đi tiếng rôm rả chuyện trò. Chị Tím tay vừa lấy gạo, vừa quay qua trò chuyện.
Chị chỉ vào người đàn ông ngồi trên đống gạch, rồi cho biết, đó là anh Nguyễn Văn Thanh, chồng chị. Mười mấy năm vào nghề là ngần ấy năm chị Tím cùng chồng xa nhà lên thành phố phụ hồ. Hai vợ chồng “kề vai sát cánh” bám trụ với nghề, nay đây mai đó, đi qua không biết bao nhiêu công trình ở thành phố. Hai con, đứa đã vào lớp 10, đứa thì lên lớp 7, đều gửi gắm cho nội ngoại.
“Ban đầu xa con, cũng lo và nhớ lắm. Nhưng ở quê làm ruộng, mùa có mùa không, kiếm được đồng tiền khó lắm. Con thì mỗi ngày một lớn, mấy mẫu ruộng có thấm gì với 4 miệng ăn. Rồi vợ chồng quyết tâm lên đây xin làm phụ hồ, nghề này có sướng bao giờ đâu, nhưng có vợ có chồng cũng an ủi hơn anh em khác”.
Chị Tím nói thêm, mỗi lần trộn hồ và đưa lên cao, anh Thanh lại nhường cho chị làm việc nhẹ hơn, để anh xách hồ. Tối đến các anh em khác đều xa gia đình, nằm thui thủi một góc. Còn như chị có chồng bên cạnh, rủ rỉ tâm sự, rồi gọi điện thăm hỏi, dặn dò các con. Thế nên tuy thiếu thốn, đơn sơ, tạm bợ, nhưng vợ chồng anh chị chưa bao giờ thiếu tiếng cười sau một ngày lao động mệt nhọc.
Truân chuyên Nữ phụ hồ 2
Phút giây nghỉ ngơi tại lán trại của vợ chồng chị Liên
Trong số những lán trại chúng tôi đặt chân đến ở đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè), thật xót xa với hình ảnh đứa bé mới 7 tháng tuổi, theo ba mẹ... cùng sống đời phụ hồ. Đó là vợ chồng anh Thạch Thanh (26 tuổi, quê Trà Vinh). Lán trại 20 m2 khoảng 15 người, phần vợ chồng anh Thanh cùng con sống vỏn vẹn trên 2 tấm ván gỗ, phía trên mái tôn nóng như đổ lửa, đồ đạc ngổn ngang... Sinh con được 5 tháng, vợ chồng đèo bồng nhau lên thành phố.
Thật thà, anh nói: “Ở chung sinh hoạt khó lắm, nhưng thuê nhà tốn tiền, để vợ con ở quê, lỡ đau ốm thì sao, nên ráng rồi cũng qua”.
Cũng như bao vợ chồng phụ hồ khác, chị Liên và chồng, Lâm Chí Định (52 tuổi, quê An Giang) cũng bên nhau san sẻ vui buồn. Gửi con ở nhà nội, mỗi tháng gửi tiền về. Vất vả, chật vật là thế, nhưng anh chị vẫn thấy hạnh phúc vì có vợ, có chồng bên cạnh. Lấy chiếc mũ sờn, quạt vào khuôn mặt đang nhễ nhại mồ hôi, ông Định cười nói: “Nghề này vất vả ai cũng biết, nguy hiểm cũng nhiều, làm tư nên không có chế độ bảo hiểm, phải tự mình giữ mình thôi, nhưng suy cho cùng, nghề ít lo toan. Mặc dù phụ hồ theo thời vụ, nhưng có vợ có chồng chăm chỉ làm, gửi tiền về nuôi con, tằn tiện một chút, dần dần cũng ổn, kiếm ít vốn vợ chồng sẽ về quê”.
Vài ba ngày, chị Liên lặn lội đi bộ đến chợ gần 2 km. Chị nói: “Đã đi làm có vợ có chồng, thì phải sinh hoạt như vợ chồng, tôi phải cơm nước đầy đặn để có sức mà lao động. Có rau, có mắm cũng được, nhưng vợ chồng cùng ăn, vui gì bằng”.
“Đi giúp việc thì giữ ý, giữ tứ, luôn khép nép. Còn làm phụ hồ dù dãi nắng nhưng vẫn thoải mái, có sức làm thì vô tư, mệt thì xin nghỉ. Bởi thế, nghề phụ hồ khổ cực nhưng giờ như cái nghiệp gắn với tôi rồi”, chị Nguyễn Thị Liên chia sẻ.
Nhìn nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ ở độ tuổi tứ tuần, và đôi tay thoăn thoắt nhặt bó rau cho kịp buổi cơm chiều, tôi cảm nhận được niềm vui của chị Liên, và của những cặp vợ chồng phụ hồ xa quê sau một ngày lao động nhọc nhằn. Họ luôn chăm chỉ, nỗ lực hết mình với công việc, dù muôn vàn khắc khổ để mong nhận lại niềm vui và tự hào trên những trang vở của con trẻ, mơ ước cho một tương lai tươi sáng hơn cuộc đời của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.