Trong khi tất cả các trường công lập của Hà Nội đã bắt buộc thực hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, tuyệt đối không bán đơn, không thu lệ phí tuyển sinh... thì không ít trường ngoài công lập tiếng tăm, trường chuyên, trường tự chủ do các trường đại học quản lý, thay vì thể hiện đẳng cấp và sự chuyên nghiệp của mình bằng cách tuyển sinh trên phần mềm trực tuyến thì nhiều trường vẫn áp dụng cách bán hồ sơ giấy từ cách đây hàng chục năm để thu về hàng trăm triệu đồng. Cái gọi là “hồ sơ” ấy thực chất là các tờ rơi quảng cáo về trường kèm đơn đăng ký dự tuyển để bán cho phụ huynh với giá phổ biến là 50.000 đồng.
Không chỉ gây tốn kém, cách thức này còn khiến các gia đình mất thời gian đi lại, xếp hàng, chầu chực, thậm chí chen lấn xô đẩy mới mua được hồ sơ dự tuyển cho con và nảy sinh tình trạng mua đi bán lại kiếm lời. Câu chuyện phụ huynh xô đổ cánh cổng trường thực nghiệm cách đây ít lâu có lẽ là ví dụ sinh động nhất. Tất cả tạo nên không khí rất căng thẳng, hỗn độn và phản cảm.
Việc cung cấp dịch vụ với lĩnh vực giáo dục đã được xã hội thừa nhận, nhưng có lẽ trong các ngành dịch vụ thì với giáo dục, phụ huynh học sinh (HS) là những khách hàng ít quyền phản biện và góp ý nâng cao chất lượng dịch vụ nhất. Đơn giản, họ không có quyền lựa chọn. Những ý kiến phản đối sẽ bị đánh đồng với việc thiếu “tôn sư trọng đạo”. Các trường tự ý thức về sức hút của mình và nỗi "khát" học của người dân nên luật “chơi” được đặt ra chỉ từ phía nhà cung cấp. Trường quyết định bán hồ sơ, thu lệ phí thi quá cao, đề ra mức “phí giữ chỗ” khủng... còn các bậc cha mẹ đang khát khao một chỗ học danh tiếng cho con chỉ có một lựa chọn là chấp nhận hay không.
Sẽ có người phản đối rằng họ là trường tư, trường tự chủ, phải tự thu tự chi... Nhưng liệu có thể áp dụng một cách làm khác không? Một trường ngoài công lập có độ "hot" nhất nhì Hà Nội vài năm nay chỉ tuyển sinh trực tuyến tất cả các khâu, phụ huynh đến trường khi con đã trúng tuyển, phải nộp hồ sơ gốc; một trường khác quyết định tuyển sinh bằng cách mời HS có nhu cầu dự tuyển đến trường trải nghiệm 1 ngày. Việc ăn, ngủ, sinh hoạt của các con dù tốn kém, nhưng trường không thu đồng lệ phí nào của phụ huynh. Nhiều gia đình thắc mắc, áy náy nhưng thầy hiệu trưởng của trường chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi chỉ đủ khả năng tiếp nhận một phần trong số rất nhiều HS dự tuyển nên muốn chọn một cách để dù có học ở trường hay không, các con và cha mẹ cũng có một trải nghiệm nhẹ nhàng và không tốn kém nhất”.
Danh tiếng của một cơ sở giáo dục hiện vẫn chủ yếu được nhìn nhận qua tỷ lệ “chọi” vào trường, qua số HS giỏi, qua cả lời đồn thổi... mà không phải được đánh giá từ sự chuyên nghiệp và nhân văn trong quản lý, vận hành nhà trường. Họ sẵn sàng không từ bỏ cơ hội nào để trục lợi trên danh tiếng sẵn có, quên trách nhiệm với cộng đồng, san sẻ gánh nặng với người dân.
Bình luận (0)