Liên quan đến vụ án trục lợi trong chống dịch xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và một số đơn vị liên quan, một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) cho PV Thanh Niên biết đã xác định những người liên quan có hành vi móc ngoặc với nhau để đẩy giá thiết bị vật tư y tế lên nhiều lần.
Mua bán lòng vòng để nâng giá
Cụ thể, từ đầu năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy: tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng; chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Qua xác minh bước đầu, C03 phát hiện hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng được CDC Hà Nội mua vào với giá hơn 7 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo C03, việc “thổi giá” hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, được Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ để đề xuất mức giá và được CDC Hà Nội “nhắm mắt” mua.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, chiều 22.4, C03 khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can gồm: PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
“Chúng tôi chỉ thấy buồn...”
Hệ thống Realtime PCR tự động là tổ hợp các máy tách chiết, phân tích kết quả xét nghiệm, đã được nhiều địa phương mua sắm trong thời gian qua để phục vụ nhu cầu xét nghiệm Covid-19. Trao đổi với PV Thanh Niên, một số địa phương cho biết họ mua hệ thống máy Realtime PCR với giá rất thấp. Có trường hợp như Quảng Trị chỉ mua với giá 1,45 tỉ đồng.
Cụ thể, theo ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, qua theo dõi thì nhận thấy hệ thống máy Realtime PCR do CDC Quảng Trị mua giá “tương đối thấp”, chỉ 1,45 tỉ đồng trong khi một số địa phương ở phía bắc mua với giá 3 tỉ đồng; CDC Hà Nội được mua đến 7 tỉ đồng. Như máy tách chiết mẫu tự động 32 mẫu CDC Quảng Trị mua chỉ với giá 650 triệu đồng, trong khi một số nơi khác thì mua với giá hơn 1 tỉ đồng. Cũng theo ông Hùng, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị giao cho CDC tỉnh mua 1 máy Realtime PCR và 1 máy tách chiết mẫu tự động “nhưng có kiểm tra”. “Xem qua thì tôi cảm thấy ổn, còn sâu hơn thì không biết lắm”, ông Hùng nói thêm và cho rằng “thiết bị Realtime PCR được mua với giá 1,45 tỉ đồng là vẫn rẻ chứ không đắt”.
Tại Đà Nẵng, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch do Sở Y tế thực hiện, CDC chỉ chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. “Nên khi nghe thông tin từ Hà Nội chúng tôi chỉ thấy buồn chứ không biết nói sao. Người ta cứ nói đến CDC thế này thế nọ là thấy buồn rồi; bao nhiêu công sức tập trung chống dịch suốt mấy tháng qua của các anh em không ngưng không nghỉ...”, ông Thạnh chia sẻ và cho biết thêm ở CDC Đà Nẵng ngay khi nhận được máy móc, thiết bị từ Sở Y tế, các cán bộ, nhân viên đã làm việc 24/24, không ngơi nghỉ, bất kể ngày đêm với cả trăm, thậm chí cả ngàn xét nghiệm mỗi ngày.
Trao đổi về vấn đề mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 tại CDC Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng không mua toàn bộ hệ thống xét nghiệm như CDC nhiều địa phương mà chỉ mua bổ sung một phần để áp vào hệ thống xét nghiệm có sẵn. Theo bà Yến, khi Đà Nẵng xuất hiện các ca nghi nhiễm, cần gấp một hệ thống đủ sức triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2, thì TP rà soát lại hệ thống máy móc đã có và chỉ tiến hành mua thêm những thứ còn thiếu. Việc thực hiện toàn bộ các khâu mua sắm thiết bị là do Sở Y tế Đà Nẵng đảm trách chứ không phải CDC Đà Nẵng. “Sở Y tế Đà Nẵng đã gửi toàn bộ báo cáo chi tiết về việc mua sắm trang thiết bị phục vụ xét nghiệm Covid-19 tại CDC Đà Nẵng để Bộ Y tế nắm rõ”, bà Yến cho biết.
Bình luận (0)