Sau vài ngày lo lắng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã kết nối lại được với chiếc trực thăng nhỏ trên sao Hỏa.
Được đưa lên sao Hỏa vào năm 2021, trực thăng Ingenuity đã trở thành thiết bị bay tự động đầu tiên trên một hành tinh khác.
Dữ liệu từ trực thăng này thường xuyên được truyền về trái đất, nhưng liên lạc đột nhiên bị gián đoạn trong một chuyến bay thử hôm 18.1, lần cất cánh thứ 72 của Ingenuity trên hành tinh đỏ. Đã xuất hiện lo ngại thiết bị này đã bị hỏng sau thời gian hoạt động tích cực.
"Tin tốt lành vào hôm nay", đó là nội dung đăng tối 20.1 trên tài khoản mạng xã hội X của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA ở bang California (Mỹ).
Cơ quan này cho biết cuối cùng đã liên lạc được với trực thăng bằng cách ra lệnh cho xe tự hành sao Hỏa Perseverance "thực hiện các buổi nghe tín hiệu của Ingenuity với thời lượng dài".
Hiện JPL đang "xem xét dữ liệu mới để hiểu rõ hơn về tình trạng mất liên lạc không mong muốn trong chuyến bay thứ 72".
Trước đó, NASA cho biết Ingenuity đã đạt độ cao 12 mét trong chuyến bay thứ 72 trong quá trình kiểm tra hệ thống, sau khi trực thăng hạ cánh sớm ngoài kế hoạch trong chuyến bay trước đó. Trong quá trình hạ cánh khi bay thử, liên lạc giữa trực thăng và xe tự hành đột nhiên bị mất.
JPL cho biết xe tự hành Perseverance tạm thời "ngoài tầm nhìn của Ingenuity, nhưng nhóm có thể cân nhắc việc lái xe đến gần hơn để kiểm tra trực quan".
Về khả năng Ingenuity có thể bay lại hay không, JPL cho biết nhóm cần đánh giá dữ liệu mới, trước khi quyết định. Việc mất liên lạc đã từng xảy ra, có thời điểm lên đến 2 tháng vào năm 2023.
Thiết bị cao khoảng 0,5 m, nặng 1,8 kg đã vượt xa mục tiêu ban đầu là thực hiện 5 chuyến bay trong 30 ngày trên hành tinh đỏ. Tổng cộng, nó đã bay hơn 17 km và đạt độ cao lên đến 24 mét.
Phối hợp với Perseverance, trực thăng này hoạt động như một trinh sát trên không để hỗ trợ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa.
Bình luận (0)