Trực tuyến: Trí thức trẻ tình nguyện góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng

19/10/2015 07:45 GMT+7

(TNO) 7 giờ 50 phút, chương trình trực tuyến buổi tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam” bắt đầu.

(TNO) 7 giờ 50 phút, chương trình trực tuyến buổi tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam” bắt đầu.

Quang cảnh buổi tọa đàmQuang cảnh buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam” do Bộ Nội vụ và Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Các đại biểu đến từ các tỉnh, thành đoàn và 64 đội viên trí thức trẻ tình nguyện của “Dự án 600 Phó chủ tịch xã” tham gia buổi tọa đàm.

Anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn; ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó chủ tịch xã; bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đồng chủ trì buổi tọa đàm. 

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đoàn, cho biết trong thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, diễn đàn trong giảng viên trẻ, công chức, viên chức trẻ, sinh viên,… nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, trí tuệ của đoàn viên, thanh niên tham gia góp ý xây dựng Đảng. Các hoạt động nêu trên đã góp phần tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đoàn viên thanh niên.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban tổ chức T.Ư Đoàn báo cáo đề dẫn tọa đàm

Với ý nghĩa đó, nhằm phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tình cảm của những trí thức trẻ tình nguyện, những đội viên của Dự án "600 Phó chủ tịch xã" trong việc nghiên cứu, góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, góp ý cho những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn sắp tới, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện để đội viên trí thức trẻ là những Phó chủ tịch xã phát huy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác tại các xã nghèo, đóng góp ý kiến vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội trong văn kiện Đại hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua buổi tọa đàm để nhận định, đánh giá, liên hệ thực tế với kết quả công tác của các đội viên, nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Dự án "600 Phó chủ tịch xã" và đề xuất với Đảng và Nhà nước các giải pháp, cơ chế, chính sách để tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Anh Bùi Quang Huy gợi ý, các ý kiến tham luận của trí thức trẻ là Phó chủ tịch xã cần tập trung vào các nội dung: nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng gắn với thực tiễn công tác của trí thức trẻ tại các xã nghèo; liên hệ với nhiệm vụ, vai trò của trí thức trẻ là Phó chủ tịch xã trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại cơ sở.

Đồng thời bàn luận, góp ý về công tác cải cách hành chính Nhà nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các vùng biên giới, chính sách về xóa đói, giảm nghèo,...

Các đại biểu đại diện cho Ban Thường vụ các Tỉnh đoàn và các cán bộ Đoàn tập trung đóng góp ý kiến về các nội dung: nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng gắn với thực tiễn quá trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương, đơn vị.

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12, các ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong nhiệm kỳ 12 của Đảng.

Liên hệ thực tế với quá trình triển khai thực hiện các chủ trương về công tác thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; các vấn đề về cơ chế, chính sách cho thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế xã hội, lập thân, lập nghiệp...

* Tham luận của anh Hoàng Lê Chương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân (Thanh Hóa)
Qua tìm hiểu, nghiên cứu dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng khóa 12, anh Hoàng Lê Chương đã có ý kiến đóng góp: Trong phần I "Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016)" tại mục 1.s" đề nghị bổ sung vào khổ thứ 4 (trước phần rút ra bài học kinh nghiệm) một ý đánh giá như sau: "Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng giãn rộng, khoảng cách thu nhập giữa các đô thị đồng bằng và nông thôn miền núi có sự chênh lệch ngày càng lớn".
Đại biểu Hoàng Lê Chương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Lý do của việc bổ sung nhận định trên, theo anh Chương là vì hiện thu nhập bình quân cả nước tính đến năm 2015 là 2.200 USD/người/năm. Tuy nhiên bức tranh thu nhập trên tại các tỉnh, các vùng không đồng đều và có sự chênh lệch lớn. Ví dụ: Thu nhập bình quân đầu người của TP.Hà Nội là 4.100 USD/người/năm; TP.HCM là 5.131 USD/người/năm; Thanh Hóa: 1.530 USD/người/năm; Hà Giang: 801,8 USD/người/năm; Bạc Liêu: 1.047 USD/người/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế và xã hội, chính sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền là nguyên nhân gây nên tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị, từ vùng khó khăn ra vùng thuận lợi hơn. Từ đó gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của vùng đô thị và xáo trộn xã hội của các vùng khác. Từ nguyên nhân nghèo khổ cùng cực là nguồn gốc sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng tới ổn định xã hội và đe dọa sự bình an của mỗi công dân. Để ổn định sự phát triển, một trong những trọng tâm là rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tăng mức thu nhập của các thành viên xã hội thuộc các khu vực nông thôn, miền núi và các thành viên xã hội dễ bị tổn thương. Tạo dựng sự công bằng về thu nhập; từ đó tiến tới công bằng về xã hội trên các mặt của đời sống. Điều đó có ý nghĩa quan trọng ở nước ta, một đất nước xã hội chủ nghĩa, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
“Mục tiêu bình đẳng, công bằng giữa người và người trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là một bài toán khó đặt ra cho Đảng, Nhà nước phải có các chiến lược, quyết sách tạo ra môi trường thân thiện cho các thành viên xã hội cùng tiến bộ nói chung và tăng thu nhập nói riêng. Xây dựng các cơ chế cho người nghèo, hộ nghèo, địa phương nghèo tiếp cận tốt nhất với các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; xây dựng các chiến lược lâu dài, trọng điểm nhằm phân phối lại các trung tâm kinh tế trải đều trên lãnh thổ với mục tiêu tạo thêm thu nhập, tăng việc làm cho các hộ nghèo tại các khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời có kế hoạch sử dụng, khai thác các nguồn lực tự nhiên, khoáng sản của các khu vực, nhằm tạo ra tư liệu sản xuất có giá trị phát triển các vùng khó khăn”, anh Chương nói.
* Anh Lê Minh Vương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi:
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Dự thảo Báo cáo chính trị, trong mục 8 - Về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phân phương hướng có đoạn nêu: “Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”.
Để thực hiện tốt việc đổi mới chính sách giảm nghèo ở các huyện nghèo nói riêng, chúng ta cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sự liên kết vùng, khu vực, giữa các vùng nghèo với các vùng phát triển; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; có chính sách đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Đại biểu Lê Minh Vương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi
Thực hiện việc lồng ghép các chính sách giảm nghèo. Ở cấp trung ương, các chính sách có cùng nội dung cần được tích hợp, lồng ghép lại và do một cơ quan chủ trì thì sẽ có hiệu quả hơn và dễ thực hiện hơn.
Để tháo gỡ tâm lý ỷ lại, cần giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không và thay thế dần sang các chính sách hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi và nâng cao ý thức của người hưởng lợi như các chính sách cho vay ưu đãi về lãi suất, đơn giản về thủ tục đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thay việc hỗ trợ sinh kế tản mạn, nhỏ lẻ hiện nay thành các tiểu dự án hỗ trợ sinh kế cho xã hội và có thời gian hoạt động đủ dài để xây dựng phương án sinh kế giảm nghèo theo điều kiện và khả năng của người dân.
Thực hiện chính sách phân cấp, trao quyền tối đa cho địa phương, cơ sở nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong điều hành, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của địa phương.
* Anh Hồ Văn Quằm, Phó chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị)
Là Phó chủ tịch xã của một địa phương miền núi, nơi có diện tích rừng tự nhiên và đất trồng rừng chiếm tỷ lệ lớn nên anh Hồ Văn Quằm rất quan tâm đến nội dung “đánh giá những hạn chế trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” trong dự thảo kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Đại biểu Hồ Văn Quằm, Phó chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
Anh Quằm cho biết Tà Rụt là xã miền núi vùng cao thuộc huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 6.061,93 ha, trong đó 5.154,5 ha là rừng và đất Quy hoạch cho việc bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Diện tích rừng tự nhiên là 2.639,5 ha và diện tích rừng trồng là 346,6 ha.
Rừng phân bố nơi địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và bị chia cắt bởi nhiều khe suối; chủ yếu là rừng sản xuất có giá trị nhiều mặt về cả môi trường sinh thái. Tuy nhiên do một số bộ phận dân cư còn dựa vào rừng để kiếm sống nên tình hình phá rừng, săn bẫy động vật trái phép vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tập quán sản xuất nương rẫy đã gây cháy rừng, làm thiệt hại tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Từ thực tiễn công tác, tại cơ sở, anh Quằm đề xuất, Đảng cần có cơ chế chính sách khai thác, quản lý sử dụng hợp lý hơn nữa nguồn tài nguyên của đất nước; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường sinh thái. Hỗ trợ nhiều hơn nữa các giống cây trồng, trồng bảo vệ độ che phu, bảo vệ môi trường cho bà con các địa phương vùng cao, khó khăn. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước, trong từng vùng, bảo đảm sử dụng tiết kiệm các nguồn lực và hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, bảo vệ môi trường đi đôi với hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông vận tải.
* Anh Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, cho rằng cần đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, các vùng khó khăn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
Theo anh Hòa, chúng ta cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố ở các huyện, xã nghèo, tạo nền tảng cho việc áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh tế nông nghiệp.
Quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp sản xuất và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ nhằm lôi kéo nguồn nhân lực đó phát huy trí tuệ, làm giàu tại địa phương nghèo thông qua các định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bổ sung kinh phí để áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp đã được công nhận tại địa phương. 

* Phát biểu tạo buổi tọa đàm, anh Hoàng Đạt Mạnh, Phó chủ tịch xã Ái Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đề xuất với Đảng và Nhà nước nghiên cứu và có cơ chế chính sách giúp đồng bào các huyện miền núi khó khăn. “Qua quá trình hoạt động trực tiếp tại địa phương, tôi đã xây dựng mô hình trồng cây dược liệu như cây đinh lăng, cây cà gai leo.., ở Ái Thượng mà bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Đây là mô hình có thể nhân rộng ra nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung”, anh Mạnh nói.

Đại biểu Hoàng Đạt Mạnh, Phó chủ tịch xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Để phát triển, xây dựng thành các vùng nguyên liệu, đề nghị các tỉnh có chính sách thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư, liên kết với địa phương, trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc gắn với sơ chế để giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị hàng hóa cho cây trồng.

Trước đề xuất của anh Mạnh, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết hiện tỉnh đã mời các doanh nghiệp dược liệu vào nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu ở một số địa phương. “Tuy nhiên do cây dược liệu là cây đặc thù, vì vậy cần phải có nghiên cứu rất kỹ mới có thể nhân rộng trên quy mô lớn được. Vì vậy, đề nghị các trí thức trẻ tham gia Dự án 600 Phó chủ tịch xã qua công tác tại cơ sở cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương”, bà Thu nói.

* Anh Hà Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình:
Xuất phát từ thực tiễn quá trình tham gia Dự án 600 Phó chủ tịch xã và đối chiếu với quan điểm, định hướng chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, tôi xin tham gia một số ý kiến về công tác bố trí, sử dụng đội viên Dự án 600 Phó chủ tịch xã.
Đại biểu Hà Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ từ các Đội viên đề án 600 Phó chủ tịch xã, nhất là đối với những đội viên có quá trình công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến, ý tưởng trong nâng cao hiệu quả công tác. Quan tâm bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho các đội viên. Tạo điều kiện cho các đội viên tiếp cận, kết nối các doanh nghiệp để hoàn thành các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ hai, cần mạnh dạn giao việc lớn, việc khó, giúp đội viên được trải nghiệm, rèn luyện, thử thách để phấn đấu trưởng thành, tránh tư tưởng thành kiến, hẹp hòi, cục bộ địa phương đối với trí thức trẻ.
Thứ ba, thực hiện quy hoạch Đội viên Dự án hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên vào các chức danh lãnh đạo và chức danh chuyên môn khác cùng cấp hoặc cấp trên; bố trí, sử dụng theo các chức danh được quy hoạch.
Khi điều động, bố trí công tác cần linh hoạt: đối với trường hợp những Đội viên có năng lực thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét để bố trí vào những vị trí công tác, không nhất thiết chờ thời điểm kết thúc dự án.
Thứ tư, đề xuất Đảng và Nhà nước quan tâm, xem xét về chủ trương để chỉ đạo bố trí, sử dụng Đội viên Dự án có thành tích xuất sắc bổ sung cho hệ thống chính trị từ cấp huyện trở lên một cách phù hợp.
Thứ năm, đề nghị Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc bố trí, sử dụng các Đội viên khi kết thúc Dự án.
* Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, sử dụng cán bộ, bồi dưỡng cho giai cấp công nhân, chị Ngô Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thẳng thắng cho rằng, chất lượng Đảng viên hiện đang có nhiều vấn đề báo động. Tình trạng ngại va chạm, không dám bảo vệ lẽ phải, cục bộ bè phái đang khiến sức chiến đấu của các cơ sở đảng bị hạn chế nhiều.
Đại biểu Ngô Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Thực tế hoạt động tại cơ sở, chị Hương nhận thấy nhiều Đảng viên có năng lực, dám nói, dám làm nhiều khi bị cô lập, bị trù dập, thậm chí đưa ra khỏi hệ thống chính trị. 
Riêng về giai cấp công nhân, chi Hương chia sẻ: “Công nhân là giai cấp tiên phong của Đảng, nhưng hiện nay tình hình công nhân như thế nào, chúng ta vẫn chưa có những đánh giá và quan tâm đúng mức. Thực tế, hiện đại đa số công nhân chỉ là những người nông dân khoác áo công nhân, họ có hiểu được lý tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin hay không; họ có bản lĩnh chính trị và lý tưởng của giai cấp hay không; có tinh thần cách mạng hay không, chúng ta đều chưa có đánh giá chính xác. Vì vậy, mới có những sự cố như ở Bình Dương, Hà Tĩnh và một số tỉnh thành vào năm 2014”.
* Anh Nguyễn Minh Thơ, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn, cho rằng dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo do Bộ Nội vụ chủ trì là dự án được đầu tư bài bản nhất trong số 7 dự án trí thức trẻ được thực hiện từ trước đến nay.
Anh Nguyễn Minh Thơ, Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững; tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Đến nay, hoàn thành giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II của Dự án. Hiện có 80% số bạn được quy hoạch vào các vị trí công tác. Đây là con số rất cao thể hiện sự thành công của dự án; 12 bạn được bầu làm chủ tịch xã.

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện trong thời gian tới theo tinh thần của dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, anh Thơ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thực hiện một số nội dung như:

Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các dự án tổ chức các Đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi và các vùng đặc biệt khó khăn, giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, phát triển lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh phong trào trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tổ chức Đoàn và các dự án liên quan; trong quá trình thực hiện, tổ chức Đoàn cần thường xuyên huy động trí thức trẻ, thanh niên tình nguyện vào hoạt động tại địa bàn dự án, giúp đỡ nhân dân và thanh niên lập nghiệp; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn để thanh niên và nhân dân các địa bàn xung quanh đến học tập; xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh - quốc phòng trong vùng dự án...

* Ông Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai (Lào Cai)

Trong quá trình thực hiện dự án 600 Phó chủ tịch xã Huyện ủy Si Ma Cai đã giao cho cấp ủy địa phương hỗ trợ hết sức để các trí thức trẻ phát huy năng lực, giúp địa phương phát triển.

 
Đại biểu Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai

Ông Cài đề nghị các đội viên cần tâm huyết, trách nhiệm hơn với các địa phương mà mình được phân công về công tác. Đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn việc bố trí, sử dụng đội viên Dự án sau khi kết thúc Dự án để các đội viên yên tâm công tác và cống hiến sức trẻ cho địa phương.

* Chị Hà Thị Kiều, Phó chủ tịch UBND xã Điền Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) kiến nghị Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu và có chính sách hiệu quả hơn trong hỗ trợ các huyện nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. “Trước khi triển khai các chế độ chính sách, Đảng, Nhà nước cần phải có nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng hơn để chính sách đi vào cuộc sống. Ví dụ liên quan đến chính sách giảm nghèo của Chính phủ, cần phải phân tích nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, như nghèo do thiếu khoa học kỹ thuật; nghèo do thiếu lao động; nghèo do không có tư liệu sản xuất, thiếu vốn sản xuất... Từ đó để có chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân mau chóng thoát nghèo”, chị Kiều nói. 

* Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết: Thanh Hóa có 60 tri thức trẻ tình nguyện về 60 xã nghèo làm Phó chủ tịch xã. Nhiều tri thức trẻ đã thể hiện được quyết tâm, năng lực, trình độ trong hoạt động thực tiễn, được địa phương đánh giá cao. Hiện đã có 41 tri thức trẻ được kết nạp Đảng, 19 người khác đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để các Chi bộ tổ chức kết nạp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu

Theo bà Thu, hầu hết các tri thức trẻ tham gia đề án 600 Phó chủ tịch xã được quy hoạch trong cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có 1 đồng chí xuất sắc được bầu làm chủ tịch xã. Các tri thức trẻ tình nguyện là nguồn cán bộ trẻ có khát vọng cống hiến, có năng lực, có thể góp phần giải quyết được những bài toán cụ thể và bức thiết đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Anh Đặng Quốc Toàn

Kết luận buổi tọa đàm, anh Đặng Quốc Toàn, Bí thư T.Ư Đoàn đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Sau buổi tọa đàm này, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu để chuyển đến ban soạn thảo văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng.

Buổi tọa đàm “Trí thức trẻ tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa. 
Tham dự buổi tọa đàm sẽ là những đội viên trí thức trẻ tình nguyện của “Dự án 600 Phó chủ tịch xã”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu sẽ thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng gắn với thực tiễn công tác của trí thức trẻ tại các xã nghèo; liên hệ với nhiệm vụ, vai trò của trí thức trẻ là Phó chủ tịch xã trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại cơ sở.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận, góp ý các vấn đề cụ thể về công tác cải cách hành chính nhà nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các vùng biên giới, chính sách về xóa đói, giảm nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.