Trui rèn ở xã

09/08/2012 09:07 GMT+7

Sinh viên tốt nghiệp đại học được đưa về xã phường, được giao việc, được huấn luyện và rèn giũa, được “quăng” xuống tận khóm ấp và cho va chạm với thực tế... Nhờ đó các bạn “lớn” dần lên.

 Trui rèn ở xã
Phan Thanh Thảo, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (bìa trái), hướng dẫn bà Sơn Thị Hol (ấp Biển Đông A) kỹ thuật nuôi vịt xiêm - Ảnh: Minh Quốc

Mô hình này được TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) thí điểm, sau năm năm đã bước đầu cho trái ngọt.

“Dọn đường” cho trí thức trẻ

Trước năm 2006, đội ngũ cán bộ xã phường vốn có từ trước dần dần “đuối” trước yêu cầu cao hơn của cuộc sống. Muốn bồi dưỡng số anh em này để “lên” cao hơn cũng khó, vì đa số lớn tuổi, học hành chắp vá...

Ông Dương Thành Trung - lúc đó là trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu - nhớ lại: “Trong khi đó, lúc này sinh viên tốt nghiệp đại học về nhiều, xin việc thì khó khăn. Tui nghĩ sao không đưa những bạn trẻ này về xã phường, vừa tạo công ăn việc làm, vừa trẻ hóa đội ngũ cán bộ”. Nghĩ vậy, ông Trung đề xuất với tỉnh ủy thực hiện đề án “đưa trí thức trẻ về công tác ở phường xã”, thí điểm tại TP Bạc Liêu.

Nhưng vấn đề lại nảy sinh: số anh em trẻ về “đụng” với một số cán bộ đương chức ở xã phường. Họ mang mặc cảm tự ti nên khó hợp tác tốt với “tụi nhóc lóc chóc”. Ông Trung bàn với tỉnh và thống nhất: ai còn năng lực thì tiếp tục làm, ai đã có dấu hiệu “quá tải” thì vận động nghỉ sớm, hỗ trợ 40-50 triệu đồng. “Sau đợt đó, số anh em về nghỉ cũng bộn, hơn 300 người” - ông Trung cho biết.

Có đầu ra rồi thì việc tìm đầu vô khá thuận lợi. TP Bạc Liêu bắt đầu làm chính sách mời gọi sinh viên tốt nghiệp đại học về địa phương. Đầu tiên là ưu đãi chế độ tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm. Các bạn về xã phường ký hợp đồng dài hạn năm năm được lãnh 3-5 triệu đồng/người; hưởng mức lương khởi điểm ngạch chuyên viên và các khoản phụ cấp xăng, công tác phí, ăn trưa... “Nói chung là sống được - anh Trần Thanh Phong, sinh viên tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản (ĐH Bạc Liêu), chia sẻ - trong tình hình tìm kiếm việc làm khó khăn thì chịu khó về xã là giải pháp tốt nhất. Ở đó mình được tôi luyện trong môi trường làm việc, được gắn bó với cộng đồng, có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống và tích lũy kiến thức từ thực tế”.

Nhiều bạn trẻ về xã, phường đã phát huy năng lực tốt, trở thành lãnh đạo cốt cán. Điển hình là bạn Phan Thanh Thảo, sinh viên ngành quản trị văn phòng (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Năm 2009 Thảo tốt nghiệp đại học, về làm văn thư ở văn phòng UBND xã Vĩnh Trạch Đông. Một năm sau Thảo được kết nạp Đảng. Hiện Thảo đang là phó chủ tịch UBND xã.

Trưởng thành từ cơ sở

Bây giờ cô sinh viên Phan Thanh Thảo ngày nào đã trưởng thành rất nhiều. Công việc hằng ngày của Thảo khá bận rộn nếu không nói là luôn tay luôn miệng, hết tiếp các doanh nghiệp để bàn việc cày xới cho mùa vụ tới trao đổi công việc với cán bộ ở ấp về tiến độ nạo vét kênh, đắp đê bao... Cô còn phải dự cuộc họp với dân để hướng dẫn họ làm thủ tục vay vốn hộ nghèo. Đó là chưa kể phải ký các văn bản hành chính.

Còn đối với bạn Huỳnh Thị Kiều Linh, sinh viên ngành môi trường - địa chính (ĐH Bạc Liêu), về cơ sở từ năm 2006, nay là phó chủ tịch UBND phường 2, ngay từ khi về phường bạn đã được lãnh đạo “chăm sóc” đặc biệt. Một lần Kiều Linh được giao giải quyết tranh chấp cái mương giữa hai hộ dân. Bà con lên phường thấy người chủ trì giải quyết là cô gái trẻ măng, lúc đầu có ý coi thường. Nhưng sau nghe cô nói năng nhỏ nhẹ, hỏi han rành mạch, tìm hiểu cặn kẽ, khách quan vô tư, giải quyết có tình có lý thì trở nên quý trọng, cuối cùng hai bên bắt tay nhau huề.

Ông Nguyễn Hồng Long - bí thư Đảng ủy phường 2 - cho biết cũng phải qua quá trình kèm cặp thiệt kỹ mới được. “Phường phân công các anh trong Đảng ủy thường xuyên gần gũi, hỗ trợ các bạn về kinh nghiệm xử lý công việc. Còn các bạn thì rất nhanh nhạy nắm bắt vấn đề, xử lý sáng tạo và nhất là hết sức nhiệt tình, tâm huyết. Cho nên bạn nào giỏi là bắt nhịp được công việc và trưởng thành rất nhanh”, ông nói. Trong bảy sinh viên về phường năm năm qua đã có ba được kết nạp Đảng, hai được bố trí chức vụ chủ chốt.

Giữ nhiều vị trí chủ chốt

Ông Dương Thành Trung, bí thư Thành ủy Bạc Liêu, cho biết qua năm năm thực hiện thí điểm việc đưa trí thức trẻ về phường xã, đã tuyển chọn được 103 bạn trẻ đạt yêu cầu. Đã có 25 bạn được kết nạp Đảng, bảy làm phó chủ tịch phường xã, bốn làm trưởng, phó ngành đoàn thể phường xã, chín được quy hoạch làm cán bộ chủ chốt, hai được điều động về thành phố Bạc Liêu, trong đó một làm ủy viên Ủy ban kiểm tra thành ủy, một ủy viên Ban thường vụ Hội nông dân TP, 22 đạt chuẩn công chức phường xã.

Theo Dương Thế Hùng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.