Trùm phu mộ hé lộ những phi vụ bốc xác tử tù ở trường bắn Long Bình

13/06/2017 09:33 GMT+7

Trường bắn Long Bình (Q.9, TP.HCM) ngưng tiếng súng, những phu mộ năm xưa cũng giải nghệ và chuyển sang công việc khác. Nhưng khi nhắc lại, hình ảnh xác tử tù một thời vẫn còn ám ảnh khiến họ không khỏi rùng mình.

Trường bắn Long Bình (P.Long Bình, Q.9), địa danh một thời ám ảnh với những tử tù mang trọng tội nay đã được cơ quan chức năng san lấp mặt bằng, phục vụ dự án đô thị. Con đường dẫn vào trường bắn năm xưa giờ đã được lắp một cánh cửa thép đã hoen gỉ màu thời gian.
VIDEO: Phu trường bắn kể chuyện lấy xác tử tù Năm Cam, Phước tám ngón
Cạnh trường bắn cũng đã mọc lên ngôi trường quốc tế Pháp Marguerite Duras. Xung quanh trường bắn, cơ quan chức năng tiến hành rào chắn bằng những dãy tường tôn kỹ càng. Hàng nghìn mộ tử tù cũng đã được hốt đi nơi khác. Còn những phu mộ tử tù năm xưa giờ phân tán mỗi người một nơi với công việc khác nhau.
Nơi đây từng là pháp trường đền tội của những tử tù nổi tiếng như: trùm giang hồ Năm Cam và đồng bọn, Nguyễn Hữu Thành (Phước tám ngón)...hay tội phạm kinh tế như: Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco), Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco).
Những cuộc hốt xác chóng vánh
Chúng tôi tìm đến khu vực trường bắn Long Bình một ngày giữa tháng 6. Khi hỏi về trường bắn này, bà Lưu Thị Tuệ (64 tuổi, ngụ P.Long Bình) hồ hởi tiếp chuyện: “Mấy chú đi tìm mộ thân nhân hả? Báo đài thông báo đã mấy năm sao không đến, giờ trong đó không còn gì đâu, hài cốt bốc đi hết rồi. Cốt tử tù ở đây có người đến nhận có người không. Nhiều mộ vô danh lâu ngày bị trâu bò giẫm đạp mất dấu hết, hoang tàn lắm. Người ta lắp rào và san lấp mặt bằng rồi”. Theo chỉ dẫn của bà, chúng tôi tìm đến nhà ông Lữ Phụng Sơn (còn gọi là Ba Son), trùm phu mộ tử tù trường bắn năm xưa.
Gặp chúng tôi trong lúc vừa đi làm về, ông khá cởi mở khi được hỏi về việc bốc mộ năm xưa. Ông châm điếu thuốc, rít một hơi dài rồi nhả khói che mờ khuôn mặt rám nắng với những đường nét cứng cỏi. Ông cho biết từ năm 1976, UBND TP.HCM bắt đầu chọn mảnh đất trống ở địa phương làm trường bắn thi hành án tử tù. Thời đó, ông đang làm trong đội mai táng ở địa phương nên được cử vào đảm nhận việc lo chôn cất tử tù.
Trùm phu mộ Ba Son kể về giai đoạn diễn ra trộm xác ở trường bắn Long Bình (Q.9, TP.HCM)
Theo ông Ba Son, mỗi ngày nếu không có tử tù bị xử bắn thì ông cùng với các anh em chỉ việc ngồi trong một chiếc lều tạm bợ sát pháp trường châm thuốc lá, uống nước trà. Còn khi có án bắn thì trước đó một ngày, đội thi hành án gọi điện thoại xuống báo, anh em trong đội sẽ vác cuốc xẻng ra mảnh đất tại khu vực đào sẵn những huyệt mộ tương ứng, đồng thời gửi thông báo đến gia đình của các tử tù về vụ việc. Đêm đến, dù mưa gió cũng phải mắc võng và canh chừng để tránh người lạ vào phá.
Đến rạng sáng hôm sau, đội thi hành án đi trên xe chuyên dụng áp giải phạm nhân từ nhà tù Chí Hòa xuống. Đưa phạm nhân đứng dựa những cọc gỗ tại trường bắn, đợi nghe đọc bản án và theo đó là những loạt đạn rền vang. Ông Ba Son cùng với gần 10 người trong đội bắt đầu tháo dây trói tay và nhẹ nhàng đưa thi thể tử tù ra một chiếc chiếu manh, vệ sinh thi thể, dùng bông gòn trám vào những vết thủng chi chít trên người phạm nhân và cho vào quan tài đóng tạm bợ bằng gỗ cao su trước khi đem chôn cất.
“Lúc mới bước vào nghề, mỗi ngày khâm liệm cho gần chục tử tù ớn lắm, nhưng làm dần cũng quen. Đối với tử tù có người thân liên hệ lấy xác thì tôi chôn vài lớp đất, khi nào họ đến thì moi lên đem về. Còn trường hợp không lấy xác thì chúng tôi đào sâu một chút và chôn kĩ. Cũng có người không tin con em mình bị bắn nên tìm đến tôi nhờ moi xác lên xem mặt, sau khi đã nhận dạng, họ nhờ tôi tắm xác sạch sẽ, mặc áo mới vào cho thi thể rồi chôn lại. Thậm chí có gia đình chi hàng triệu đồng nhờ xây mộ khang trang cho các tử tù”, ông Ba Son kể.
Hơn 20 năm làm phu mộ, ông Ba Son không nhớ đã chôn cất biết bao nhiêu tử tù
Thời đó có không ít lần xảy ra những vụ đột nhập trường bắn tiến hành trộm xác, mà nổi tiếng là vụ trộm xác của trùm giang hồ Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn, không ai khác mà chính ông Ba Son và anh em "làm đạo diễn".
Cuối năm 2004, băng nhóm giang hồ Năm Cam bị triệt phá, Năm Cam cùng bốn đệ tử thân cận của mình là Châu Phát Lai Em, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Nguyễn Việt Hưng bị kết án tử hình và xử bắn ở trường bắn Long Bình.
Nhớ lại vụ việc, ông Ba Son kể trước khi Năm Cam được đưa ra xử bắn thì đội của ông đã được báo tin để chuẩn bị. Năm huyệt mộ đã được đào sẵn một ngày. Đêm trước ngày xử bắn, hàng chục cảnh sát với súng máy và xe chuyên dụng đã có mặt tại pháp trường để bảo vệ khu vực. Đồng thời, hàng trăm cảnh sát đã đứng sẵn canh gác tại mọi ngóc ngách từ Xa Lộ Hà Nội dẫn vào pháp trường.
Đúng 5 giờ sáng, ngày 3.6.2004, Năm Cam và đồng bọn được đưa đến và cho vào dựa cột, thi hành án lúc 5 giờ 15, chỉ có cảnh sát và nhóm phu mộ chứng kiến, người dân không được phép vào xem. Khi mai táng xong, lực lượng cảnh sát gần 10 người cũng thay phiên nhau canh giữ khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đến bảy ngày sau mới rút. Sau đó, ông Ba Son đã tận tay bốc xác Năm Cam và đồng bọn cho người thân đem đi theo một phi vụ được giao kèo với giá 255 triệu đồng.
Một trường hợp khác là trộm xác Nguyễn Hữu Thành (tức Phước “tám ngón”) do đàn em thực hiện nhưng bất thành. Năm 1998 Phước “tám ngón” cầm đầu băng nhóm chuyên giết người cướp tài sản, được giải ra pháp trường Long Bình xử bắn. Dù quen biết rộng và đông đàn em, nhưng khi nằm xuống nấm mồ lạnh, không ai thắp một nén nhang.
Sau khi chôn được 5 tháng thì một đám đông hơn 20 người xăm trổ đầy mình đến trường bắn, tự xưng là đàn em của Phước “tám ngón” đòi bốc mộ đi. Tuy nhiên, do đã quá 5 tháng, xác phân hủy mạnh nên mùi tử khí quá nặng, khi khai quật một phần, đàn em đành phải bỏ xác lại khu vực và rút đi. Thi thể của Phước tám ngón được bỏ lộn xộn trên bãi cỏ tại khu vực, ông Ba Son phải tận tay chôn xác Phước "tám ngón" lại lần thứ hai. Gần đây, khi khu vực được giải tỏa xây dựng công trình, cũng chính Ba Son đã hốt cốt Phước “tám ngón” đem gửi vào chùa.
Mộ tử tù và những con số
Tưởng chừng nghĩa trang tử tù là một nơi vắng lặng, ghê rợn nhưng qua lời kể của ông Ba Son thì khung cảnh ở đó hoàn

Dù ở dương thế họ phạm nhiều tội ác, khi về thế giới bên kia rồi thì xem như họ đã đền tội với đời. Tôi chỉ làm những việc nên làm, xem đó như là cái nghiệp của mình vậy. Có lẽ những năm tháng phu mộ với tôi không bao giờ quên được. Hình ảnh xác tử tù vẫn ám ảnh tôi và anh em đến hiện giờ”

ông Ba Son

toàn không phải vậy. Ông cho biết, mỗi đêm ở trường bắn nhiều người đột nhập đông như đi chợ, nói chuyện rôm rả để cầu cơ, cúng bái và đặc biệt là xin số đánh đề.
Khi có tử tù bị xử bắn và chôn xong, thì tối đêm đó, tuyến đường dọc vào trường bắn bỗng trở thành bãi xe ô tô đậu kéo dài. Nhiều người lần lượt kéo đến các ngôi mộ cúng, vái xin số. Trong đó, mộ Phước “tám ngón” được xem là có người tìm đến nhiều nhất và... hay trúng đề. Mỗi người ghé 30 phút, sau khi thỏa mãn những con số cầu được lại lặng lẽ rút đi.
Hôm sau, khi họ trúng thì lại mua heo quay, trái cây kéo đến tạ lễ nhậu nhẹt tưng bừng đến sáng.
Theo ông Ba Son, có một vụ kỳ lạ làm ông nhớ mãi. Sau khi "xin số" trước mộ Phước “tám ngón”, hai thanh niên gốc bắc tuyên bố nếu trúng sẽ quay lại nhậu với mộ một tháng liên tục để tạ ơn. 
Ngay sau hôm đó, chính hai thanh niên này cùng với bạn bè mua heo quay đến và cúng vái, ngồi quanh mộ phần Phước “tám ngón” ăn nhậu tưng bừng trong 4 ngày liên tiếp, ai nấy cũng say khướt mới về.
Đến ngày thứ năm, thấy tình hình tiếp diễn gây mất trật tự, ông đã nhờ đến công an phường Long Bình can thiệp. Lập tức đám người này rời đi.
“Dù ở dương thế họ phạm nhiều tội ác, khi về thế giới bên kia rồi thì xem như họ đã đền tội với đời. Tôi chỉ làm những việc nên làm, xem đó như là cái nghiệp của mình vậy. Có lẽ những năm tháng phu mộ tôi không bao giờ quên được. Hình ảnh xác tử tù vẫn ám ảnh tôi và anh em đến hiện giờ”, ông Ba Son chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.