Tự động phát
Theo truyền thông Nga, kết quả sơ bộ và một phần cho thấy số phiếu thuận chiếm áp đảo. Đài RT nói số phiếu thuận ở "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (DPR) là 99%, ở "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng (LPR) là 98%.
Tại vùng Kherson, khoảng 87% số người bỏ phiếu ủng hộ ý tưởng rời Ukraine và gia nhập Nga. Còn tại vùng Zaporizhzhia, hơn 93% người bỏ phiếu ủng hộ ý tưởng này.
Cuộc trưng cầu dân ý đã bị chính phủ Ukraine và các đồng minh phương Tây cực lực lên án.
Các thành viên trong ủy ban bầu cử kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý |
reuters |
Phát biểu qua video tại một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào hôm 27.9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục các quốc gia khắp thế giới bác bỏ kết quả trên. Ông cũng lặp lại lời đe dọa sẽ cắt đứt mọi liên lạc với Nga nếu Moscow công nhận kết quả trưng cầu dân ý.
Còn tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 27.9 nói ưu tiên hàng đầu của Moscow liên quan các cuộc trưng cầu dân ý là giữ gìn tính mạng người dân. Trước đó ông Putin nói Nga sẽ ủng hộ mọi kết quả và sẽ chào đón nếu các vùng này muốn gia nhập Nga.
Tuy nhiên, sau khi kết quả được công bố, cuộc xung đột đứng trước nguy cơ tiếp tục leo thang nghiêm trọng.
Nhà lãnh đạo ly khai của vùng Luhansk hôm 27.9 nói rằng đây là "thời khắc lịch sử" và ông đang bỏ phiếu để có một "tương lai tươi sáng, hạnh phúc" cho con cháu.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra tới đây là một câu hỏi khó.
Các khu vực tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine, và hành động này mở đường cho Moscow xem nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine là tấn công vào chính nước Nga.
Chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một dự đoán mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột. Theo đó, nếu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân, NATO sẽ vì quá sợ hãi mà không đáp trả và cũng vẫn không trực tiếp tham chiến.
Tác giả của bình luận trên là cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga.
Trong một bài đăng trên Telegram, ông viết: "Những chính trị gia dân túy bên kia đại dương và ở châu Âu sẽ không chết trong một ngày tận thế hạt nhân".
Các quan chức chính phủ Nga, bao gồm ông Medvedev, đã nhiều lần cảnh báo rằng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông Medvedev dự đoán rằng NATO sẽ không có động thái trả đũa.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak hôm 27.7 nói nước này sẽ không sợ hãi trước đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.
"Chúng tôi tin rằng chiến tranh chỉ có thể kết thúc khi chúng tôi thiết lập lại đường biên giới đã được quốc tế công nhận năm 1991. Vậy đó, chúng tôi không có kịch bản nào khác. Buộc chúng tôi phải chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý, nếu không thì sẽ dùng vũ khí hạt nhân ư? Chúng tôi xem đó là vô nghĩa lý và không thể chấp nhận được", ông Podolyak nói.
NATO và Mỹ chưa công khai chi tiết về phản ứng nếu Nga tấn công hạt nhân vào Ukraine, nhưng một cố vấn của Nhà Trắng cho biết Washington đã cảnh báo Moscow sẽ nhận "hậu quả thảm khốc".
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã lên án các cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và không dân chủ, và cam kết sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27.9 lặp lại khẳng định Washington sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập vào Nga. Ông cũng tỏ ý Mỹ không phản đối Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công giành lại các vùng lãnh thổ này, và Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực đó.
Bình luận (0)