Theo Hãng tin Fars của Iran, "3 vụ nổ" được ghi nhận tại khu vực gần sân bay ở TP.Isfahan (thuộc tỉnh cùng tên của nước này) và một căn cứ quân sự vào sáng sớm 19.4. Chuẩn tướng Siavash Mihandoost, sĩ quan quân đội cấp cao ở Isfahan, nói âm thanh lớn mà người dân nghe thấy xuất phát từ việc hệ thống phòng thủ bắn vào mục tiêu trên không chứ không phải vụ nổ trên mặt đất. Ba máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên bầu trời Isfahan, theo truyền thông Iran.
Tehran dường như đã nỗ lực hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự vụ và vai trò của Israel. Hãng tin Tasnim dẫn "các nguồn thạo tin" bác bỏ thông tin cho rằng Iran bị tấn công từ bên ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, các quan chức Iran được truyền thông nước này dẫn lời cũng mô tả sự vụ là hành động của "những kẻ xâm nhập", không phải xuất phát từ Israel, nên Tehran không cần thiết phải trả đũa.
Israel, Iran kín tiếng sau vụ tấn công Isfahan
Chính phủ Israel không lập tức lên tiếng, trong khi quân đội nước này từ chối bình luận. Song các đài truyền hình Mỹ dẫn các nguồn tin, bao gồm quan chức Mỹ, cho biết Israel đứng sau vụ tấn công và đã báo trước cho Washington về việc này, dù Washington không ủng hộ hay tham gia vào hành động.
Mỹ xem xét bán thêm vũ khí cho Israel
Báo The Wall Street Journal ngày 19.4 dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét các hợp đồng vũ khí mới trị giá hơn 1 tỉ USD cho Israel, bao gồm đạn xe tăng, xe quân sự và đạn cối. Số vũ khí này nằm ngoài những gì có trong một dự luật về viện trợ cho Israel đang được thảo luận ở quốc hội Mỹ.
Báo The New York Times dẫn lời 3 quan chức Iran tiết lộ các máy bay không người lái cỡ nhỏ đã thực hiện cuộc tấn công, có thể được phóng từ bên trong Iran, và hệ thống radar của họ trước đó đã không phát hiện thấy các máy bay này đi vào không phận Iran.
Căng thẳng đã gia tăng ở Trung Đông sau khi Iran phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái tới Israel trong đêm 13.4, trả đũa vụ không kích làm thiệt mạng các sĩ quan cấp cao của Tehran ở Syria hồi đầu tháng này. Trong nhiều ngày, Israel đã đe dọa đáp trả, đẩy khu vực đến bên bờ vực một cuộc chiến toàn diện.
Song quy mô hạn chế của sự vụ ở Isfahan và phản ứng có phần nhẹ nhàng của Iran hôm 19.4 dường như báo hiệu nỗ lực của các nhà ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng tại khu vực đã bước đầu thành công, dù tương lai khu vực tiếp tục bất định.
Theo Đài Al Jazeera, Isfahan được coi là thành phố có tầm quan trọng chiến lược và là nơi tập trung nhiều địa điểm quan trọng, bao gồm các cơ sở nghiên cứu và phát triển của quân đội Iran, cũng như các căn cứ quân sự. TP.Natanz gần đó là nơi có một trong những cơ sở làm giàu uranium của Iran.
Hezbollah tấn công căn cứ quân sự, Israel đáp trả
Trên mạng xã hội X, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận "không có thiệt hại" đối với các cơ sở hạt nhân của Iran trong sự vụ ngày 19.4. Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi kêu gọi kiềm chế và nhấn mạnh rằng các cơ sở hạt nhân tuyệt đối không được trở thành mục tiêu trong xung đột quân sự.
Mỹ ngăn LHQ kết nạp Palestine
Trong cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ ngày 18.4, Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết kiến nghị với Đại hội đồng LHQ rằng "Nhà nước Palestine nên được kết nạp làm thành viên" của tổ chức quốc tế này. Anh và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 12 thành viên còn lại của HĐBA LHQ bỏ phiếu đồng ý, theo Reuters.
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood nhấn mạnh Mỹ tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng việc thành lập nhà nước Palestine chỉ đạt được từ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine, theo Reuters. Ngoại trưởng Israel Katz của Israel đã khen ngợi Mỹ về việc phủ quyết dự thảo nghị quyết.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và lực lượng Hamas đã lên án động thái nói trên của Mỹ. Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour tuyên bố tại HĐBA LHQ sau cuộc bỏ phiếu: "Việc nghị quyết này không được thông qua sẽ không làm mất đi ý chí của chúng tôi và sẽ không đánh bại quyết tâm của chúng tôi".
Minh Trung
Bình luận (0)