Trung Quốc âm thầm chuyển giao tên lửa cho Serbia?

11/04/2022 10:30 GMT+7

Một số chuyên gia mới đây cho rằng Serbia đã nhận hệ thống tên lửa phòng không từ Trung Quốc trong một hoạt động không được công bố trong tuần này.

Truyền thông và một số chuyên gia quân sự ngày 10.4 nói rằng 6 máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc được cho là chở hệ thống tên lửa phòng không HQ-22 đã hạ cánh tại sân bay dân sự ở thủ đô Belgrade, Serbia vào ngày 9.4, theo AP.

Một số chuyên gia nhận định việc chuyển giao vũ khí trên thông qua lãnh thổ của ít nhất 2 quốc gia thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, là bằng chứng cho thấy Trung Quốc ngày càng vươn ra toàn cầu.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-22 do Trung Quốc chế tạo

Chụp màn hình The MOscow Times

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố hôm 9.4 rằng ông sẽ thể hiện “niềm tự hào mới nhất” của quân đội nước này vào ngày 12 hoặc 13.4, theo AP. Trước đó, ông than phiền rằng các nước NATO đã từ chối cho phép những máy bay chở HQ-22 bay qua lãnh thổ của họ, trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng mới của Serbia và Trung Quốc.

Hồi năm 2020, giới chức Mỹ đã cảnh báo Serbia về việc mua HQ-22, nhấn mạnh rằng nếu thật sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu và các liên minh quân sự của phương Tây, Serbia phải dùng những khí tài quân sự phù hợp với các tiêu chuẩn phương Tây.

Máy bay vận tải quân sự Nga chở hệ thống tên lửa phòng không S-400 đáp xuống sân bay ở Serbia

HQ-22 được so sánh với hệ thống Patriot của Mỹ và hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, dù có tầm bắn ngắn hơn so với S-300 tiên tiến. Serbia sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu vận hành tên lửa do Trung Quốc sản xuất.

Hiện đang có nỗi lo ngại ở phương Tây rằng việc Nga và Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Serbia có thể khuyến khích quốc gia này hướng tới hành động quân sự khác, đặc biệt là Kosovo, từng là một tỉnh thuộc Serbia và đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008. Serbia, Nga và Trung Quốc không công nhận tình trạng nhà nước của Kosovo, trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu công nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.