Trung Quốc, Ấn Độ gấp rút tiếp tế cho lính biên phòng trước mùa đông khắc nghiệt

25/09/2020 15:13 GMT+7

Việc sống sót trong điều kiện nhiệt độ âm 40 0 C trở thành ưu tiên hàng đầu cho các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới.

Theo tờ South China Morning Post ngày 25.9, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trong tình trạng căng thẳng ở biên giới hiện đang tập trung nỗ lực tiếp ứng về hậu cần cho hàng ngàn binh sĩ ở khu vực Himalaya trước khi mùa đông đến.
Các sĩ quan cấp cao 2 bên hôm 21.9 đồng ý sẽ không điều thêm binh sĩ đến khu vực biên giới giữa 2 nước nhằm giảm căng thẳng. Trong khi đó, việc sống sót của các binh sĩ ở độ cao hơn 4.500 m, nơi không khí loãng và thiếu ô xy còn nhiệt độ có thể xuống đến âm 400C, đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
“Giới lãnh đạo quân đội Ấn Độ đang lo tiếp tế cho 30.000 binh sĩ ở đông Ladakh trong mùa đông, bao gồm việc dự trữ lương thực, nhiên liệu và đạn được đang được tăng tốc”, theo chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan tại Quỹ nghiên cứu Observer ở Ấn Độ.

Ấn Độ chuyển lượng lớn tiếp tế đến khu vực tranh chấp với Trung Quốc

Về phía Trung Quốc, chuyên gia phân tích quân sự Chu Thần Minh cho rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có lợi thế về hỗ trợ hậu cần do đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ở các khu vực biên giới trong chương trình giảm nghèo vài thập niên qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng ít nhất 13 cứ điểm quân sự mới gần biên giới với Ấn Độ kể từ căng thẳng Doklam vào năm 2017, bao gồm 3 sân bay, 5 cứ điểm phòng không thường trực và 5 bãi đáp trực thăng, theo báo cáo của trang Stratfor.
Theo ông Chu, các binh sĩ sẽ phải chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt và bị chia cắt trong mùa đông.
“Nhiệt độ ở dãy Himalaya có thể xuống âm 400C vào mùa đông và mọi tuyến đường bộ chính kết nối với bên ngoài đều bị chia cắt trong ít nhất nửa năm. Một khi đông đến, không có cách nào 2 bên có thể chiến đấu nữa, việc sống sót sẽ là ưu tiên hàng đầu”, ông nhận định.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Rajeev Ranjan Chaturvedy tại New Delhi (Ấn Độ), dù trong điều kiện như thế, không bên nào tỏ ý rút bớt binh sĩ, dù họ biết rõ việc đối đầu trong điều kiện lạnh giá sẽ là “cuộc chiến hao mòn sức lực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.