Trung Quốc bắt đầu lộ trình hồi phục

21/03/2020 01:14 GMT+7

Trung Quốc liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong nước và chuẩn bị kế hoạch phục hồi nền kinh tế.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm qua xác nhận Trung Quốc đại lục tiếp tục không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 “nội địa” trong ngày thứ hai liên tiếp kể từ 18.3.
Toàn bộ 39 ca nhiễm mới trong ngày 19.3 đều đến từ bên ngoài, được ghi nhận tại Quảng Đông (14 ca), Thượng Hải (8) và Bắc Kinh (6), bên cạnh 3 bệnh nhân tử vong.

Kiểm soát lây nhiễm từ bên ngoài

Trước tình hình này, giới chức Trung Quốc kêu gọi tập trung vào các biện pháp giảm ca nhiễm đến từ bên ngoài và điều trị các ca đã ghi nhận. Theo Tân Hoa xã, cuộc họp về đối phó dịch Covid-19 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì ngày 18.3 ghi nhận tình trạng các ca lây nhiễm tại Trung Quốc đến từ bên ngoài đang gia tăng nên cần tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước để ngăn ngừa dịch bệnh và kiểm soát các chuyến bay quốc tế tốt hơn. Kết quả cuộc họp thống nhất đề nghị ngưng tiếp nhận hành khách nhập cảnh bằng đường bộ, cải thiện việc quản lý vận tải hành khách từ nước ngoài bằng đường biển và tăng cường hỗ trợ công dân ở nước ngoài.

Nhiều tiểu bang tại Mỹ phong tỏa chặn dịch Covid-19, ông Trump lại chê trách truyền thông

Bên cạnh việc đề phòng lây nhiễm từ bên ngoài, Trung Quốc đang tích cực chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan trong chuyến thị sát tại Bệnh viện Đồng Tế (Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) khuyến cáo các y bác sĩ rằng đây là “giai đoạn trọng yếu” trong điều trị, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng. Bà Tôn kêu gọi huy động trang thiết bị y khoa hiện đại hơn, đồng thời kết hợp đông và tây y để cứu chữa các bệnh nhân.

Phục hồi kinh tế

Với các tín hiệu khả quan sau thời gian dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đang tập trung phục hồi nền kinh tế. Một trong những động thái mới nhất là tỉnh Hồ Bắc đưa hơn 1.600 lao động đến các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Đông, với nhóm đầu tiên khởi hành hôm 18.3. Toàn bộ lao động được xét nghiệm cẩn thận và cách ly 14 ngày trước khi lên xe lửa di chuyển.
Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc sắp bơm hàng ngàn tỉ nhân dân tệ để thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đầu tư hạ tầng được hỗ trợ đến 2.800 tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt của chính phủ. Dự báo tỷ lệ thâm hụt ngân sách quốc gia sẽ ghi nhận mức kỷ lục là 3,5% trong năm 2020, sau khi ở mức 2,8% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể sẽ hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay do ảnh hưởng dịch kéo dài khi giới lãnh đạo đang cân nhắc đề xuất giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống mức 5%, thay vì 6% như đưa ra vào tháng 12.2019. Song song với việc tăng tốc xây dựng các dự án hạ tầng trọng yếu, chính phủ có thể sẽ triển khai các dự án mới về y tế công cộng, cung ứng vật liệu khẩn cấp, mạng 5G và các trung tâm dữ liệu vốn đã được các lãnh đạo cấp cao chấp thuận về chủ trương.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đến hôm qua vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay giữa lúc có nhiều đồn đoán về một đợt cắt giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm vẫn là 4,05% và kỳ hạn 5 năm là 4,75%. Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định việc PBOC chưa giảm lãi suất tiêu chuẩn cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể cho rằng những biện pháp gần đây đã đủ hỗ trợ ngắn hạn cho nền kinh tế, trong đó có việc PBOC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi trong năm nay và cần nới lỏng hơn nữa các chính sách tiền tệ nhằm giảm căng thẳng cho doanh nghiệp.
Số ca tử vong ở Ý vượt Trung Quốc
Hãng AFP hôm qua đưa tin Ý ghi nhận thêm hơn 1.000 người chết vì Covid-19 trong 2 ngày 19 và 20.3, nâng tổng số ca tử vong lên trên 4.000, cao hơn so với 3.249 ca tại Trung Quốc đại lục. Theo khảo sát của Viện Y tế quốc gia Ý, hơn 99% bệnh nhân tử vong đều có sẵn bệnh lý khác. Khảo sát được tiến hành đối với khoảng 18% trong tổng số hơn 3.000 ca tử vong trước đó tại Ý nhận thấy chỉ có 3 bệnh nhân không mắc bệnh gì khác (0,8%). Khoảng 48,5% số ca tử vong có từ 3 chứng bệnh trở lên trước khi bị chẩn đoán mắc Covid-19, với các bệnh phổ biến nhất gồm cao huyết áp (76%), tiểu đường (35%) và bệnh tim mạch (33%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.