Trung Quốc bị loại khỏi VCK U.23 châu Á: Cái tát trời giáng vào mộng bá chủ

14/01/2020 09:36 GMT+7

Thất bại của đội U.23 Trung Quốc tại giải U.23 châu Á đang diễn ra ở Thái Lan được xem như cái tát vào “mộng bá chủ bóng đá thế giới 2050” của Trung Quốc. Vì sau hơn 3 năm đổ cả núi tiền và ra không ít chỉ thị nhằm thực hiện cho được “kế hoạch 2020”, Trung Quốc đã thất bại toàn tập.

Khởi động từ năm 2017, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) với bản “kế hoạch 2020” đặt mục tiêu cho các đội tuyển bóng đá nam và nữ nước này, kể cả các đội trẻ phải đạt những thành tích khả quan nhất, nhằm đặt nền móng cho “giấc mộng bá chủ, siêu cường bóng đá thế giới vào năm 2050”.
Trong bản “kế hoạch 2020”, CFA đặt mục tiêu đội U.23 năm 2018 phải vào bán kết ngay sân nhà và năm 2020 phải lấy vé dự Olympic 2020.
Thực tế cả 2 đội U.23 Trung Quốc cách nhau 2 năm này đều cùng nhận một kết cục: bị loại ngay vòng bảng. Thậm chí, đội U.23 phiên bản 2020 (đặt mục tiêu tham dự vòng chung kết World Cup 2026) còn tệ hơn, vì đây là đội được đầu tư rất nhiều tiền của và công sức.

HLV danh tiếng Guus Hiddink phải chia tay U.23 Trung Quốc vì không thể giúp được gì cho bóng đá trẻ nước này tiến bộ

AFC

Trong hơn 2 năm qua, để chuẩn bị cho đội trẻ này có khả năng tranh vé dự Olympic 2020, CFA đã chi mỗi năm hơn 5 triệu USD tiền lương khi mời HLV danh tiếng Guus Hiddink về dẫn dắt. Ông Hiddink đã đưa đội U.23 Trung Quốc sang châu Âu ăn tập dài hạn để chuẩn bị, cũng như thi đấu cọ xát ở nhiều giải trẻ tên tuổi như Toulon Tournament ở Pháp…
Thậm chí, để củng cố tinh thần và rèn luyện tư tưởng cho các cầu thủ, CFA còn đưa các cầu thủ trẻ U.23 này tham dự các khoá học chính trị và huấn luyện quân sự đặc biệt.

Hệ quả là tại VCK U.23 châu Á đang diễn ra ở Thái Lan, U.23 Trung Quốc (phía sau) sớm bị loại ngay vòng bảng sau 2 trận toàn thua

AFC

Thế nhưng, rốt cuộc vẫn thấy một đội Trung Quốc đầy yếu kém. Trong đó, trận giao hữu hồi tháng 9 năm ngoái để thua cả U.22 Việt Nam 0-2 đã báo hiệu mọi sự bất thành, nhất là từ khi HLV Hiddink phải ra đi trong tranh cãi.
Trong khi đó, đội tuyển quốc gia Trung Quốc còn te tua hơn. CFA đặt mục tiêu đội tuyển nước này trong năm 2019 phải vào bán kết Asian Cup và cuối năm xếp hạng 70 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA, nhưng cũng không có mục tiêu nào hoàn thành.
Tuyển Trung Quốc nhiều năm nay được cả HLV cự phách người Ý Marcello Lippi dẫn dắt, sau khi bị loại ở tứ kết Asian Cup 2019 thì đã chia tay, nhưng rồi trở lại khi được đồng ý “chữa cháy” bằng cách nhập tịch ồ ạt cầu thủ ngoại để tăng cường sức mạnh. 

Trong khi đó, ngay cả HLV trứ danh khác là ông Marcello Lippi sau nhiều năm cố gắng, cuối cùng cũng “bỏ của chạy lấy người” khỏi bóng đá Trung Quốc

AFP

Ông Lippi gần đây phải “bỏ của chạy lấy người”, bởi sau nhiều cố gắng trở thành “công cốc”, tuyển Trung Quốc vẫn thi đấu như một đội nghiệp dư ở trận thua Syria 1-2 tại vòng loại World Cup 2022. Hiện cựu cầu thủ Li Tie lên thay.
Còn tuyển nữ Trung Quốc từng là bá chủ ở châu Á, nhưng tại kỳ World Cup nữ ở Pháp năm 2019 cũng bị loại ngay vòng 1/8 trước đối thủ là tuyển nữ Ý (thua 0-2), mà tuyển nữ Ý thì sau gần 20 năm mới trở lại đấu trường này.

Bóng đá nam thất bát, còn bóng đá nữ Trung Quốc còn thua bẽ bàng hơn trước tuyển nữ Ý sau 20 năm mới trở lại đấu trường World Cup nữ ở Pháp năm 2019

AFP

Với tuyển nữ Trung Quốc, CFA cũng giao chỉ tiêu phải vào bán kết World Cup nữ 2019 và đòi lại vị trí số 1 châu Á từ tuyển nữ Úc và Nhật Bản.
Mặc dù vậy, thất bại ở World Cup nữ khiến tuyển nữ Trung Quốc kết thúc năm 2019 ở vị trí thứ 15 thế giới và hạng 4 châu Á. Vị trí này còn có thể bị tuyển nữ Hàn Quốc hay tuyển nữ Việt Nam xếp lần lượt ngay phía sau vượt qua.
Trước thực trạng này của các đội tuyển Trung Quốc, báo chí nước này chỉ trích CFA kịch liệt, và cho rằng thực tế hiện tại của bóng đá Trung Quốc còn quá cách xa tầm châu lục chứ nói gì tới “mộng bá chủ hay siêu cường bóng đá thế giới năm 2050”.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.