Trung Quốc cải cách hệ thống giáo dục: Mô hình 'ĐH dạy nghề'

11/04/2023 10:05 GMT+7

Trung Quốc đang tiến hành cải cách hệ thống giáo dục, đặt trọng tâm là thúc đẩy đào tạo nghề, với mô hình 'ĐH dạy nghề'.

Tăng cường đào tạo nghề giúp Trung Quốc có nguồn lao động đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như thợ sửa xe, kỹ thuật viên sửa chữa hệ thống sưởi và điều hòa, thợ điện, thợ sửa ống nước và kỹ thuật viên máy tính...

Nâng cấp thành "trường ĐH dạy nghề"

Vào tháng 12.2022, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số chính sách, nhấn mạnh ưu tiên phát triển "đào tạo nghề chất lượng cao", đồng thời tăng cường tích hợp đào tạo nghề và giáo dục phổ thông, theo tạp chí Tài Kinh (Caixin, Trung Quốc). Từ đó, các tỉnh, thành đưa ra nhiều kế hoạch, bao gồm "nâng cấp" trường nghề và trường CĐ dạy nghề.

Vào tháng 1.2023, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông cho biết đang lên kế hoạch để trình Bộ Giáo dục nhằm nâng cấp Trường CĐ dạy nghề công lập Thâm Quyến thành một "trường ĐH dạy nghề".

Tương tự, các tỉnh Hắc Long Giang, Cam Túc, Giang Tây và Hồ Nam, cùng khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, trong những tháng gần đây đã công bố kế hoạch nâng cấp hơn 10 trường CĐ dạy nghề công lập thành trường ĐH dạy nghề từ nay cho đến năm 2025.

Một trường ĐH dạy nghề được định nghĩa là cũng trao bằng cử nhân giống như ĐH tổng hợp, nhưng chuyên về dạy nghề, thời gian đào tạo dài hơn so với trường nghề thông thường. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thí điểm mô hình này từ năm 2019 và gọi đây là một cuộc cải cách lớn về đào tạo nghề.

Mô hình 'ĐH dạy nghề' ở Trung Quốc  - Ảnh 1.

Sinh viên đặt giấy giữa hai đầu gối để thực hành tư thế đứng tại một trường dạy nghề tiếp viên hàng không ở TP.Thạch Gia Trang, Trung Quốc

REUTERS


Học sinh, phụ huynh ngần ngại

Ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại quan điểm cho rằng người học nghề có địa vị xã hội thấp hơn so với sinh viên tốt nghiệp ĐH trở thành nhà khoa học, quản lý doanh nghiệp, kỹ sư, bác sĩ, luật sư…, theo tạp chí Tài Kinh. Do đó, học sinh cuối cấp và phụ huynh vẫn còn ngần ngại trong việc lựa chọn "trường ĐH dạy nghề".

Dù vậy, trong buổi họp báo hồi tháng 3, một quan chức của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết các trường ĐH dạy nghề đã tuyển được 76.300 sinh viên mới vào năm 2022, tăng 84,39% so với năm trước.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy phát triển đào tạo nghề, chính quyền một số tỉnh thành ở Trung Quốc áp dụng một quy định giới hạn việc mở rộng khuôn viên, cơ sở của những ĐH hoạt động không hiệu quả và có số lượng tuyển sinh giảm dần. Trong năm 2022, một số ĐH buộc phải đình chỉ kế hoạch xây dựng cơ sở mới hoặc đóng cửa những cơ sở hiện có.

Theo tạp chí Tài Kinh, những động thái cải cách kể trên cho thấy Trung Quốc nỗ lực hướng đến mục tiêu thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghệ và tiến tới nền sản xuất tinh vi hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt tình trạng dân số trong độ tuổi lao động từ 16-64 tuổi, bắt đầu giảm từ giữa những năm 2010. Đến năm 2022, Trung Quốc bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 14% dân số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.