Theo quy định được công bố hôm 29.11, cả nhà cung cấp và người dùng tin tức dạng hình ảnh hoặc âm thanh đều không được phép sử dụng các công nghệ sao chép ‘deepfake’ và thực tế ảo để tạo và phát tin tức giả.
Công nghệ ‘deepfake’ sử dụng trí thông minh nhân tạo để tạo ra âm thanh, hình ảnh hoặc video về sự kiện hay nhân vật có hành động, phát ngôn không có thực. Kỹ thuật này được thực hiện dựa trên việc sao chép ‘sâu’ bản gốc. Hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng thường bị làm giả theo công nghệ ‘deepfake’.
“Việc lợi dung công nghệ mới, đặc biệt là deepfake để tạo ra sản phẩm trên không gian mạng gây bất ổn cho trật tự xã hội và vi phạm quyền lợi công dân, nguy hiểm hơn là đe dọa an ninh quốc gia”, một quan chức về công nghệ mạng phát biểu trong một thông cáo về qui định mới của chính quyền.
Chỉ với điện thoại thông minh và ứng dụng camera, người sử dụng có thể ‘đẻ’ ra bất kỳ ai, thay đổi hình dạng, tô son, vẽ mắt và tạo ra những con người trông rất thật.
Quy định mới bắt buộc phải dán nhãn vào nội dung có liên quan đến các công nghệ mới trong quá trình tạo, đăng tải hoặc phát sóng trên mạng. Quy định cũng yêu cầu các nhà sản xuất và cung cấp nội dung phải có công nghệ phát hiện nội dung tin tức âm thanh và video bị làm lại hoặc bị làm giả.
Ở Trung Quốc, ‘deepfake’ bắt đầu được quan tâm hồi tháng 9.2019 khi một trang ứng dụng cho phép người dùng chụp và ghép ảnh họ với nhân vật điện ảnh bị chỉ trích. Hồi tháng 10.2019, chính quyền bang California (Mỹ) cũng ban hành qui định về công nghệ deepfake và xem việc sử dụng công nghệ này trong chính trị cũng như tạo ra hoặc phát tán video, hình ảnh và giọng nói của chính trị gia trước cuộc bầu cử là trái luật. Tháng 4.2019, Liên minh châu Âu công bố chiến dịch truy quét thông tin giả mạo và sai lệch trên mạng, trong đó có ‘deepfake’.
Bình luận (0)