Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với Nga, Ấn Độ

05/05/2023 11:18 GMT+7

Trong các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị SCO, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Nga và Ấn Độ.

Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với Nga, Ấn Độ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề hội nghị của SCO ở Ấn Độ hôm 4.5

REUTERS

Hãng Reuters ngày 5.5 đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trấn an những người đồng cấp Nga và Ấn Độ về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ, đồng thời cam kết rằng "sự phối hợp và hợp tác" sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Tần Cương gặp ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ấn Độ hôm 4.5, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn duy trì mối quan hệ ổn định với các nước trong khu vực.

Châu Âu phản ứng mạnh, Trung Quốc nói tôn trọng chủ quyền các nước thành viên Liên Xô cũ

Được thành lập vào năm 2001 với trọng tâm ban đầu là chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố ở Trung Á, SCO đến nay gồm các thành viên chính: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp SCO, ông Tần Cương nói rằng Trung Quốc "sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Nga để có những đóng góp hữu hình trong việc dàn xếp chính trị đối với khủng hoảng" ở Ukraine.

Hai bên đồng ý tăng cường liên lạc, phối hợp với các thành viên SCO khác và duy trì sự đoàn kết của khối. Hai nhà ngoại giao còn đồng ý tăng cường phối hợp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với Nga, Ấn Độ - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bên lề hội nghị của SCO ở Ấn Độ hôm 4.5

REUTERS

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, ông Tần Cương nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm sâu sắc thêm "sự phối hợp và hợp tác" trong các vấn đề quốc tế và khu vực, và đưa mối quan hệ 2 bên trở lại đường lối phát triển "lành mạnh".

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ xấu đi kể từ năm 2020, khi binh sĩ 2 bên đụng độ tại vùng Himalaya tranh chấp, khiến tổng cộng 24 người thiệt mạng. Tháng trước, Bắc Kinh xuất bản một bản đồ thể hiện vùng Arunachal Pradesh, do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, ở khu vực Tây Tạng. Động thái này đã khiến New Delhi nổi giận.

Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng tình hình khu vực biên giới "nhìn chung ổn định".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.