Tờ Hoàn Cầu thời báo mới đây có bài viết cho hay lực lượng không quân và không quân hải quân của quân đội Trung Quốc (PLA) đang thúc đẩy các chương trình tuyển dụng và đào tạo phi công mới, trong bối cảnh PLA tăng cường lực lượng máy bay chiến đấu.
Rút ngắn thời gian đào tạo, tuyển cả học sinh
Theo đó, nhóm học viên phi công đầu tiên được đào tạo trên J-10, là loại chiến đấu cơ thế hệ 4 do Trung Quốc tự phát triển, vừa qua đã tốt nghiệp Học viện bay Thạch Gia Trang. Hồi năm 2020, Học viện bay Thạch Gia Trang lần đầu tiên nhận chuyển giao máy bay chiến đấu J-10 và bắt đầu thử nghiệm với chương trình đào tạo mới rút ngắn thời gian đào tạo phi công đạt chuẩn lái chiến đấu cơ thế hệ 4 từ 4-6 năm còn 3 năm.
Trung Quốc vừa giới thiệu tàu sân bay Phúc Kiến gần đây |
The Drive |
Hải quân PLA gần đây cũng đã hoàn tất chương trình tuyển dụng học viên phi công hằng năm chuyên điều khiển máy bay trên tàu sân bay. “Trong số các học viên phi công mới được tuyển dụng, 41,5% đủ điều kiện để học lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Điều này đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân viên cho máy bay chiến đấu trên tàu sân bay”, Hoàn Cầu thời báo dẫn thông tin từ cơ quan tuyển dụng của hải quân Trung Quốc. Theo đó, các học viên phi công khác dự kiến sẽ học lái các loại máy bay khác bao gồm máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay, máy bay vận tải hoặc máy bay trực thăng trên tàu.
Vào tháng 8.2020, tờ South China Morning Post vừa dẫn thông tin từ Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) cho hay nước này đang tăng cường tuyển dụng lực lượng phi công. Khi đó, hải quân Trung Quốc tổ chức kỳ thi tuyển dụng phi công hải quân với đối tượng là các học sinh phổ thông và vừa tốt nghiệp phổ thông, từ 16-19 tuổi. “Trong số này, 49% ứng viên trúng tuyển sẽ được đào tạo phi công tàu sân bay”, theo CCTV dẫn lời một quan chức của cơ quan phụ trách tuyển dụng cho hải quân.
Chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh |
Nhân lực chưa theo kịp số lượng khí tài
Việc tăng cường tuyển dụng trên, đặc biệt đối với phi công cho tàu sân bay, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công khi Bắc Kinh muốn nhanh chóng triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay. Hiện tại, hải quân Trung Quốc đã có 3 tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông và Phúc Kiến. Trung Quốc có hàng không mẫu hạm đầu tiên vào năm 2012, chiếc thứ 2 vào năm 2019. Nếu Trung Quốc đưa vào hoạt động chiếc thứ 3 vào năm 2025, thì tốc độ phát triển hàng không mẫu hạm của nước này đạt mức rất nhanh.
Trong đó, tàu Phúc Kiến là một phiên bản nội địa của Trung Quốc được phát triển với nhiều cải tiến và kỹ thuật hiện đại. Nhận định khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra: “Hiện tại, 2 tàu Liêu Ninh và Sơn Đông không mang theo máy bay cảnh báo sớm trên không và máy bay tiếp dầu, nên Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện tiếp nhiên liệu từ máy bay chiến đấu này sang máy bay chiến đấu khác. Nhưng Trung Quốc đang phát triển máy bay cảnh báo sớm trên không và máy bay tiếp dầu cho tàu sân bay. Trong tương lai gần, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc cần mang theo những loại máy bay vừa nêu thì mới tăng khả năng tác chiến”.
Từ đó, Trung Quốc cũng cần số lượng phi công đa dạng hơn để điểu khiển các loại máy bay cho tàu sân bay. Trong khi đó, chất lượng phi công Trung Quốc bị cho là chưa theo kịp các phi công điều khiển máy bay trên tàu sân bay Mỹ. Nhận định với Thanh Niên, một cựu đại tá hải quân Mỹ nhận xét: “tàu sân bay của Trung Quốc hiện không đáng sợ, vì nước này vẫn cần thêm nhiều năm nữa để hoàn thiện khả năng tác chiến tàu sân bay, nhất là việc đào tạo phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên tàu sân bay”. Trước khi về hưu hồi đầu năm nay, vị đại tá trên từng nắm giữ nhiệm vụ quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược trong Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.
Tương tự, TS Denny Roy (chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm Đông - Tây) bình luận: “Các tàu sân bay của Trung Quốc là vấn đề đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nếu xét trong kịch bản một cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, thì tàu sân bay hiện tại lại là gánh nặng cho Bắc Kinh”.
Chính vì thế, vấn đề then chốt của Trung Quốc hiện nay chính là sớm tăng cường lực lượng phi công. Nhưng việc rút ngắn thời gian đào tạo và tuyển nhân lực còn quá trẻ cũng đặt ra vấn đề về chất lượng phi công.
Bình luận (0)