Các kỹ sư Trung Quốc đang chế tạo một loại súng máy với tham vọng đạt tốc độ bắn liên thanh nhanh gấp nhiều lần tốc độ tối đa hiện nay, theo tờ South China Morning Post đưa tin hôm 4.1.
Vũ khí này có 5 nòng hoặc nhiều hơn, mỗi nòng có khả năng bắn đạn với tốc độ 450.000 viên/phút, với kỳ vọng có khả năng đánh chặn tên lửa bội siêu thanh di chuyển với tốc độ vượt Mach 7 (8.575 km/giờ). Tốc độ bắn của hệ thống Phalanx của quân đội Mỹ hiện nay là 4.500 viên/phút.
Việc nạp đạn cho một loại vũ khí bắn hàng triệu viên đạn mỗi phút được coi là một thách thức không thể vượt qua.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Thái Nguyên, một trung tâm công nghiệp ở miền trung Trung Quốc, đã đưa ra giải pháp là một hộp tiếp đạn chứa đầy nòng súng, mỗi nòng súng chứa đầy đạn. Sau khi đạn được bắn ra, các nòng súng và toàn bộ hộp đựng sẽ được thay thế.
Công nghệ bắn luân phiên hộp này có thể "cải thiện tốc độ nạp đạn, tránh bị giảm độ bền và độ chính xác của nòng súng do nạp đạn nhiều lần, đồng thời đạt được mục tiêu chiến đấu là nhiều đợt tấn công, hoạt động liên tục và phản công nhanh", theo nhóm nghiên cứu do chuyên gia Lô Tu Thao tại Đại học Bắc Trung Quốc dẫn đầu.
Súng máy truyền thống sử dụng cò cơ học và chúng không thể đáp ứng được nhu cầu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là bắn 7.500 phát/giây. Để giải quyết vấn đề này, Ông Lô và các đồng nghiệp đã phát triển một loại cò điện tử.
Loại cò điện tử theo cơ chế không tiếp xúc này có thể làm tan chảy ngay lập tức dây hợp kim trong viên đạn, tạo thành luồng năng lượng cao đốt cháy chất nổ. Cò súng điện tử này có thời gian bắn chỉ 17,5 micro giây. Dữ liệu thử nghiệm xác nhận rằng nó "đủ để đạt được hiệu suất mục tiêu là 450.000 viên đạn mỗi phút cho mỗi nòng súng", theo nhóm nghiên cứu.
Loại vũ khí này còn được gọi là "bão kim loại" và được đề xuất lần đầu bởi nhà phát minh Úc Mike O'Dwyer vào thập niên 1990. Chuyên gia này thành lập Công ty Metal Storm, sản xuất hệ thống thử nghiệm 36 nòng, đạt tốc độ bắn 1 triệu viên đạn mỗi phút.
Vào năm 2006, ông O'Dwyer cho biết PLA đã tiếp cận và đề nghị mua lại công nghệ với giá 100 triệu USD. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã chú ý và phối hợp với ông O'Dwyer để phát triển hệ thống vũ khí mới. Tuy nhiên, dự án sau cùng bị hủy bỏ do thách thức kỹ thuật và các thách thức khác. Công ty Metal Storm tuyên bố phá sản vào năm 2012.
Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào công nghệ này, huy động nguồn lực khoa học và công nghệ quốc gia để nghiên cứu và phát triển.
Bình luận (0)