Triển lãm hàng không lần nay diễn ra trong 6 ngày tại thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông). Đây được xem là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ tham vọng trong lĩnh vực hàng không và quốc phòng, theo Reuters ngày 1.11.
Điểm nhấn của triển lãm là việc lần đầu tiên Trung Quốc công khai trình làng mẫu máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mà nước này tự thiết kế, chế tạo. Hai chiếc J-20 bay lướt qua khu vực triển lãm trong khoảng 60 giây trước sự chứng kiến của hàng trăm khách thăm quan, nhà thầu quốc phòng... Theo South China Morning Post, J-20 sẽ không được trưng bày dưới đất cho công chúng xem.
Kỹ sư máy bay Cao Qingfeng chứng kiến buổi trình diễn nói rằng màn biểu diễn tuyệt vời này cho thấy sức mạnh của ngành công nghiệp sản xuất máy bay Trung Quốc. Chuyên gia Bradley Perrett của tạp chí Aviation Week cũng đồng ý khi cho rằng đây rõ ràng là bước tiến lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay chiến đấu.
tin liên quan
Vũ khí giá rẻ Trung Quốc chật vật chen chân vào thị trường thế giớiVũ khí giá rẻ Trung Quốc dù đã cải thiện chất lượng nhưng được đánh giá là khó chen chân với các đại gia thế giới. Nguyên nhân chính theo giới chuyên gia nhận định là các nước thiếu niềm tin chính trị ở nước này.
Một quan chức giấu tên thuộc không quân Trung Quốc giải thích lý do không trưng bày J-20 cho công chúng xem vì máy bay này sở hữu nhiều công nghệ cao của Trung Quốc về máy bay tàng hình và một số bí mật quân sự khác. Kích thước thân, độ cân đối của cánh với thân... là những thứ mà các chuyên gia máy bay có thể dễ dàng tính toán ra tham số tàng hình của máy bay, vậy nên J-20 không được trưng bày.
J-20, do tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo, từng được mang ra so sánh với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ và thậm chí là loại chiến đấu cơ tàng hình F-35. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng còn quá sớm để so sánh khả năng tàng hình của J-20 với F-22 và F-35.
Còn Truyền hình quân đội Nga cho biết loại máy bay J-20 và cả loại tiêm kích tàng hình J-31 (trông rất giống F-35 của Mỹ) của Trung Quốc sử dụng động cơ phản lực AL-31F của Nga vốn dùng cho loại tiêm kích Su-27, chứng tỏ Trung Quốc chưa thể chế tạo được động cơ đáng tin cậy cho máy bay chiến đấu tiên tiến.
|
Radar phát hiện được máy bay tàng hình
Ngoài J-20, Trung Quốc dự kiến trình làng nhiều khí tài quân sự tiên tiến nhất khác tại triển lãm lần này, trong đó có hệ thống radar SLC-7. Radar này được cho là có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách 300-400 km, gồm tên lửa hành trình và cả máy bay tàng hình như F-35 hay F-22 của Mỹ.
SLC-7 được Viện nghiên cứu 14 thuộc Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc phát triển. Một trong những chuyên gia của tập đoàn này nói với SCMP rằng đây là lần đầu SLC-7 ra mắt và được công bố khả năng phát hiện máy bay tàng hình.
Quan chức này cũng nói rằng đây là mẫu radar xuất khẩu và khách hàng tiềm năng có thể là Pakistan, Ai Cập hoặc các nước Trung Đông mà coi Mỹ là kẻ thù. Ông này còn tuyên bố rằng mẫu được dùng trong không quân Trung Quốc sẽ tiên tiến hơn SLC-7.
|
Một số chuyên gia của tập đoàn này cũng không nói rõ Trung Quốc có triển khai radar này ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm, hay chưa. Tuy nhiên, một trong số này khẳng định vệ tinh sẽ không thể phát hiện được vì radar sẽ được nguỵ trang kỹ và nhìn như "vỏ dưa hấu". Trung Quốc từng triển khai trái phép hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.
Một mẫu máy bay đáng chú ý khác là AG600, theo các nhà tổ chức thông báo thì đây là chiếc thuỷ phi cơ lớn nhất từng được sản xuất. Chiếc thuỷ phi cơ này được thiết kế nhằm đáp ứng các hoạt động chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng AG600 hoàn toàn có thể được dùng để tiếp tế cho các tiền đồn quân sự ở những vùng xa xôi, theo Reuters. Mẫu thuỷ phi cơ này được trình làng lần đầu chỉ 10 ngày sau khi toà Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ngày 12.7 ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" và các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bình luận (0)