Trung Quốc 'cứu' thị trường chứng khoán: Lợi ít, hại nhiều

29/07/2015 05:30 GMT+7

(TNO) Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc vào tháng trước, Bắc Kinh đã dùng nhiều biện pháp nhằm ngăn đà giảm mạnh. Song liệu tất cả biện pháp can thiệp này đều có tác động tích cực lên thị trường và nền kinh tế?

(TNO) Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc vào tháng trước, Bắc Kinh đã dùng nhiều biện pháp nhằm ngăn đà giảm mạnh. Song liệu tất cả biện pháp can thiệp này đều có tác động tích cực lên thị trường và nền kinh tế?

Nỗ lực bình ổn thị trường của Trung Quốc được cho là lợi ít, hại nhiều - Ảnh: Bloomberg
Trước ngày 27.7, mọi biện pháp can thiệp của chính quyền Trung Quốc tỏ ra khá hiệu quả. Nhà đầu tư thưởng thức 2 tuần thị trường bình ổn. Một phần trong số 3.000 tỉ USD bị thổi bay khi thị trường lao dốc vào tháng 6 được phục hồi.
Tuy nhiên, ngay phiên giao dịch đầu tuần này, mọi chuyện đã khác. Chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5%, mạnh nhất kể từ tháng 2.2007. 
Theo CNN, thông thường, kìm hãm sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán là động thái nhận được sự chấp thuận trên thế giới. Song một loạt hành động vừa rồi của Bắc Kinh đã bị giới chuyên gia và nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới chỉ trích.
Cổ phiếu Thượng Hải đã tăng 150% trong 12 tháng trước khi sụp đổ. Các nhà phê bình đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc phải cần hành động quyết liệt như vậy đối với thị trường chứng khoán vốn có diễn biến xa rời thực tế? 
Hồi năm 2013, Bắc Kinh cho hay sẽ để thị trường đóng vai trò “quyết định” nhiều hơn trong nền kinh tế nước này. Các cải cách nhằm dịch chuyển quyền lực từ doanh nghiệp nhà nước đang được tiến hành. Trung Quốc còn kỳ vọng nhân dân tệ (RMB) sẽ trở thành đồng tiền thương mại, tài chính toàn cầu. 
Chính quyền đã ra sức bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi rủi ro tài chính. “Áp dụng nhiều biện pháp khác thường là có thể hiểu được khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng”, nhà kinh tế Jacqueline Rong thuộc hãng dịch vụ tài chính BNP Paribas nói. Song cô Rong cũng cho rằng vài biện pháp khác, chẳng hạn như yêu cầu các công ty được niêm yết phải công bố thông tin tốt, là không phù hợp.
Các nhà quản lý quỹ đầu tư chưa bao giờ là người hâm mộ lớn đối với các biện pháp can thiệp thị trường. Một vài trong số họ tỏ ra khó chịu với sự can thiệp vừa qua của Bắc Kinh. Các nhà quản lý quỹ nổi tiếng như Paul Singer, Bill Ackman và Richard Perry vừa xuất hiện tại một hội nghị ở New York (Mỹ), chỉ trích các nỗ lực hỗ trợ thị trường của Trung Quốc.
Họ cho rằng thay vì can thiệp sâu, Bắc Kinh có thể củng cố nguồn gốc căn bản của rủi ro trong thị trường nước này. Bởi vì, tính cả những đợt sụt giảm vừa rồi, chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng 75% trong năm qua. Trong một nền kinh tế mà các công ty sắp vỡ nợ đều hầu như được chính phủ “giải cứu”, nhiều rủi ro hơn trong hệ thống có thể được xem là tích cực.
Các chuyên gia thì cho biết sự can thiệp của Bắc Kinh có thể hại nhiều, lợi ít. Theo bà Rong, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), vốn đang tiến đến việc đưa RMB vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR), giờ đây có thể xem xét lại ý định này.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, cho hay dù các cải cách đã thay đổi kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính nước này vẫn bị tuột lại phía sau.
“Việc Bắc Kinh bảo vệ các nhà đầu tư là điều có thể hiểu được, nhưng cách tốt nhất để làm việc này là tạo ra một thị trường vốn hiện đại. Các nhà hoạch định chính sách cấp cao Đại lục hiểu rằng họ phải làm nhiều hơn để thực hiện chương trình cải cách mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây 20 tháng. Chấn động gần đây trong thị trường nên được nhìn nhận là một tín hiệu cho thấy những cải cách tài chính vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”, ông Paulson viết trên tờ Financial Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.