Trung Quốc đã ở đâu giữa lúc thị trường chứng khoán toàn cầu bất ổn?

20/02/2018 13:48 GMT+7

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua giai đoạn biến động hồi đầu tháng này, nhưng Trung Quốc dường như đã vắng bóng trong hầu hết các cuộc thảo luận.

Theo tác giả Daniel Moss, người trước đây từng là tổng biên tập của Bloomberg News về kinh tế toàn cầu, mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng nhanh và dần chiếm lĩnh sự thống trị của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, nhưng thị trường vốn của nước này vẫn chưa thực sự tạo ra được sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thế giới.
Trong khi thị trường toàn cầu đang rơi vào giai đoạn hỗn loạn, với những lo ngại đến từ thị trường trái phiếu, lạm phát, tốc độ tăng lãi suất, tăng tiền lương, Trung Quốc tuy không trực tiếp gây ra vấn đề nhưng cũng không đóng góp công khai bất kỳ một giải pháp rõ ràng nào. Tất cả mọi việc, dù tốt hay xấu, đều ở Phố Wall.
Quan điểm cho rằng Mỹ đã mất mọi ảnh hưởng, một điều thường được nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, chắc chắn là quá sớm. Tuy quy mô kinh tế của Trung Quốc đang tăng lên rất lớn, nhưng thị trường vốn của nước này vẫn còn dưới sức nặng của nó.
Về tổng sản phẩm quốc nội, Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ và đang nhanh chóng bắt kịp. Nhưng khoảng cách giữa hai nền kinh tế vẫn chưa được phản ánh nếu xét về sức ảnh hưởng tương đối trên thị trường vốn toàn cầu, cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để ổn định, việc tái cân bằng ở đây sẽ là một điều tốt. Song, trên thực tế, một kết quả của thế giới đơn cực này, và có lẽ cũng là một phần nguyên nhân, là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là ngân hàng trung ương của thế giới. Nếu chủ đề chính của thị trường toàn cầu gần đây là việc rút lại các gói kích thích tiền tệ, thì Fed là người dẫn đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ có những động thái theo hướng đó, và tại một thời điểm nào đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ bước theo.
Tương tự, mối quan tâm về lạm phát của Mỹ cũng thực sự đặt Fed vào trọng tâm của hành động. Trong khi hầu hết các cuộc thảo luận về Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần đây không liên quan đến chính sách ngắn hạn, thay vào đó là về kế hoạch nghỉ hưu của Thống đốc Zhou Xiaochuan và người sẽ kế nhiệm ông.
Việc Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong việc định hình lại thế giới, về kinh tế và cả các vấn đề khác theo những cách thức lớn hay nhỏ, là một điều không thể phủ nhận. Và cũng như các khía cạnh khác của cuộc sống, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường vốn toàn cầu sẽ dần tăng theo thời gian. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quốc gia châu Á vẫn chùn bước sau Mỹ trong định hướng thị trường toàn cầu.
Về đầu tư và tiếp cận nước ngoài của Trung Quốc, con số này rất nhỏ. Theo báo cáo mới của Bloomberg News, Trung Quốc thu hút 55 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài vào trái phiếu hồi năm ngoái, trong khi con số này của Mỹ trong tháng 11.2017 là 337 tỉ USD. Nhưng dù sao kết quả này trong năm qua của Trung Quốc cũng đã tăng 41% so với năm 2016.
Tóm lại, quy mô và sức mạnh của một nền kinh tế sẽ được phản ánh trong các thị trường của nó. Trung Quốc sẽ thu hẹp được khoảng cách hiện tại cho dù vẫn còn nhiều khó khăn như việc tồn tại một ngân hàng trung ương vẫn còn “lắc lư” và chưa đạt đến sự minh bạch, độc lập. Tuy nhiên, cho đến lúc đó thì hiện giờ thị trường Mỹ vẫn đang dẫn đầu và USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.